Khi nhắc tới việc thực hiện KHHGĐ, mọi người thường nghĩ đó là việc của phụ nữ, vì vậy vai trò của nam giới chưa được coi trọng đúng mức. Ngày nay, nam giới tham gia vào công tác này càng đông, góp phần chia sẻ với phụ nữ trong thực hiện KHHGĐ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đông Hòa, đến tháng 6/2013, toàn huyện có 15.000 người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Trong đó, hơn 3.500 người sử dụng bao cao su và có 24 nam giới tham gia biện pháp đình sản (chiếm 23,5% số nam giới tham gia các biện pháp tránh thai hiện đại).
Điều đó chứng tỏ ngày càng có nhiều nam giới nhận thức tốt hơn về vai trò của mình trong thực hiện KHHGĐ. Nam giới sử dụng bao cao su không chỉ để phòng tránh thai mà còn có tác dụng phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS. Tuy nhiên, nhiều nam giới khi gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS) thường e ngại. Họ ít đi khám bệnh để được tư vấn và điều trị. Hầu như các buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản thường chỉ có phụ nữ, còn nam giới ít tham gia vào các đợt truyền thông.
Muốn chăm sóc SKSS một cách hiệu quả và thực hiện tốt KHHGĐ thì cần vai trò của cả hai giới. Nhằm nâng cao trách nhiệm của nam giới trong việc thực hiện KHHGĐ, công tác truyền thông tại địa phương với phương châm “mưa dầm thấm lâu” là hết sức cần thiết.
Vận động nam giới tham gia vào việc chăm sóc SKSS, thực hiện KHHGĐ là một nội dung trong Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho người dân về chăm sóc SKSS và cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cần chú trọng hơn tới đối tượng nam giới. Trang bị kiến thức chăm sóc SKSS cho nhóm đối tượng nam giới vị thành niên/thanh niên là hết sức cần thiết. Đây là một bước chuẩn bị quan trọng của cuộc sống hôn nhân tương lai cho nhóm đối tượng này. Khi nam giới tự nguyện và tích cực tham gia thực hiện KHHGĐ sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, giảm đáng kể tình trạng nạo phá thai, hạn chế tình trạng gia tăng dân số, đồng thời làm giảm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có lây nhiễm HIV/AIDS.
Để thực hiện bình đẳng giới và phát huy vai trò của nam giới trong công tác KHHGĐ, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương và đơn vị cần có sự phối hợp đồng bộ để tuyên truyền, tư vấn nam giới về các vấn đề như: Thay đổi tư tưởng sinh đông con, muốn có con trai “để nối dõi tông đường”; khuyến khích nam giới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhằm đem lại hiệu quả trong quan hệ tình dục an toàn...
Đây cũng là một biện pháp quan trọng góp phần bảo đảm tính bền vững trong công tác DS-KHHGĐ.
THANH Ý
(Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đông Hòa)