Những tưởng cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Nở và anh Phan Văn Thông ở thôn Phú Ân (xã Hòa An, Phú Hòa) mãi khó khổ kể từ khi anh Thông bị tai nạn; những tưởng các con anh sẽ bỏ dở việc học hành, song bằng ý chí và nghị lực, đôi vợ chồng này đã vượt qua những trở ngại của cuộc sống, cùng nhau dốc lòng nuôi con ăn học.
|
Tuy sức khỏe chưa ổn định nhưng anh Thông luôn cùng vợ làm việc để phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: V.HOÀNG |
NHỮNG NGÀY KHỐN KHÓ
Khoảng 21g một ngày cuối năm 2005, trời mưa phùn, gây khó khăn tầm nhìn. Trên đường đi làm thợ hồ (ca tối) từ Khu du lịch sinh thái Thuận Thảo về nhà, không may anh Thông bị xe gạt, làm chấn thương sọ não.
Qua 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định, mạng sống của anh Thông được giữ lại, nhưng sức khỏe rất yếu, bị liệt nửa người; thần kinh không ổn định. Vậy là người trụ cột của gia đình lại trở thành gánh nặng cho vợ và các con. Chị Nguyễn Thị Nở - vợ anh Thông nhớ lại: “Lúc ấy nhà có bao nhiêu tiền cũng không cánh mà bay. Tôi chạy vạy khắp nơi để vay mượn nhưng không phải ai cũng sẵn lòng. Khó nhất là tôi phải đi nuôi chồng ở Bình Định, mà ở nhà chỉ có hai đứa con thơ. Đứa lớn 11 tuổi tự lo chuyện học hành, còn đứa nhỏ 5 tuổi phải nhờ người đưa đi mẫu giáo. Trong hoàn cảnh như vậy, ruột tôi đau như cắt khi vừa lo cho chồng vừa thương các con”.
Đưa chồng về nhà, chị Nở tự tay tập luyện cho chồng. Chị bảo, khi ở Bình Định, chị được hướng dẫn cách phục hồi chức năng cho người bị liệt. Mong chồng mau bình phục, chị không nản chí, ngày ngày lo chu toàn việc nhà, lo cho các con học xong, chị lại động viên và xoa bóp, tập luyện cho anh. Lúc ấy nghĩ đến gia cảnh, anh Thông nước mắt cứ chực trào. Nhưng anh không nản chí mà cố gắng vận động theo từng thao tác hướng dẫn của vợ, mong mỗi ngày bệnh sẽ thuyên giảm.
NỖ LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Trong khuôn viên ngôi nhà của mình, hai vợ chồng này xoay xở mưu sinh bằng nhiều mô hình. Nếu như phía trước nhà, họ trồng mấy chục chậu mai, nuôi hồ cá trê, bên hiên phải nuôi gà đá, vịt, thì ở sau nhà họ làm chuồng nuôi bò lai.
Anh Thông đi đứng loạng choạng nhưng ngày ngày vẫn liền tay với công việc nhà và phụ vợ chăm sóc cây mai, cho cá, cho gà ăn. Anh bảo: “Mấy năm nằm ròng, tôi thấy hết sức mệt mỏi. Vậy nên khi sức khỏe được phục hồi được chút ít, tôi muốn vận động ngay. Những việc mà vợ chồng tính toán để làm phù hợp với sức của tôi nên tôi thích tham gia. Còn mấy sào ruộng, vợ tôi tự mình làm lấy”.
Chị Nở cho biết, năm 2007, gia đình chị được Quỹ Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng cho vay 5 triệu đồng để mua bò về nuôi. Đến năm 2010, chị bán con bò lớn mua lại bò nhỏ, nhưng không may nuôi được vài tháng là bò chết. Khó khăn chồng chất, song chị Nở quyết tâm làm lại vì xác định ở nông thôn nuôi bò mới cho thu nhập ổn định. Vậy là số tiền dành dụm được từ bán cá trê, gà đá, cây cảnh… chị đầu tư thêm hai bò lai con với cách làm lấy ngắn nuôi dài.
Lật đật dậy từ 4g sáng và loay hoay đến tận tối, chị Nở chẳng chịu nghỉ lưng. Miệng nói tay làm, chị Nở vồn vã: “Trước chồng là lao động chính, cất được nhà cửa đàng hoàng. Giờ tôi thế vào vai của anh ấy nên ráng làm để có tiền bồi dưỡng cho anh và nuôi các con ăn học. Hai con bò nay có giá cũng gần 50 triệu đồng; lứa cá trê sắp bán cũng được vài triệu và mấy chục con gà đá cũng đến lúc xuất chuồng…”.
MONG CON THÀNH TÀI
Tuổi thơ của hai vợ chồng đều khó khổ nên không ai được học hành nhiều. Bởi vậy, vợ chồng anh Thông, chị Nở luôn mong muốn các con phải khác cha mẹ. Hai cậu con trai Phan Nguyễn Xuân Huỳnh, Phan Nguyễn Hùng Vinh hiểu được ý nguyện của cha mẹ nên luôn cố gắng học tập và luôn là những học sinh khá giỏi của trường.
Con trai lớn Phan Nguyễn Xuân Huỳnh, sinh viên năm 2 Trường đại học Công Nghiệp TP Hồ Chí Minh hè này không về nhà mà ở lại TP Hồ Chí Minh làm thêm để có tiền lo cho năm học mới. Huỳnh thổ lộ: “Nghĩ đến những vất vả của cha mẹ, em càng cố gắng học và tranh thủ làm thêm. Mỗi tháng em nhận hai triệu đồng mẹ gửi vào, còn lại em tự làm thêm xoay xở chi phí cho mình”. Còn Phan Nguyễn Hùng Vinh năm nay lên lớp 9. Vinh ngày ngày bắt ốc cho cá ăn, cắt cỏ cho bò và cùng phụ mẹ làm nhiều việc khác nhưng vẫn luôn giữ thành tích học khá. Vinh ước mình cũng sẽ được học như anh để là nguồn động viên cho cha mẹ.
Giọng nói của anh Thông còn ngọng ngịu, bước đi còn khó khăn, thỉnh thoảng lại đau đầu… là hậu quả để lại sau lần tai nạn. Nhưng vì cuộc sống của gia đình hiện tại, vì tương lai phía trước của các con, anh cùng vợ quyết tâm vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.
VŨ HOÀNG