Từ năm 2007, triển khai dự án thí điểm thành lập CLB Cha mẹ và vị thành niên/thanh niên về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục tại xã Xuân Thọ 1 và phường Xuân Thành (TX Sông Cầu), Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED - tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực DS-KHHGĐ) là tổ chức đồng hành giúp ngành Dân số Phú Yên đạt nhiều kết quả trong công tác truyền thông, nâng cao chất lượng dân số.
Nhân viên Trung tâm CGFED tuyên truyền chính sách dân số đến các thành viên CLB Cha mẹ và vị thành niên/thanh niên về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục tại xã Sông Hinh (Sông Hinh) - Ảnh: T.DIỆU
Các vấn đề về giới trong phát triển con người là mục tiêu quan trọng; vận động chính sách, hỗ trợ cộng đồng ở vùng nông thôn đặc biệt là nhóm yếu thế là tôn chỉ hành động của Trung tâm CGFED. Vì vậy, nhóm vị thành niên/thanh niên trở thành đối tượng thích hợp nhất trong việc truyền thông về bình đẳng giới của tổ chức này.
Để nhóm vị thành niên/thanh niên tiếp cận sâu kiến thức về bình đẳng giới, Trung tâm CGFED đã có mô hình sinh hoạt CLB Cha mẹ và vị thành niên/thanh niên về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho 2 đối tượng là cha mẹ và nhóm vị thành niên/thanh niên cùng tham gia sinh hoạt. Từ đây, CGFED đã hỗ trợ nhiều phương pháp tiếp cận truyền thông như: kịch tương tác, làm việc nhóm, photovoice, học sinh tích cực… không chỉ hiệu quả với nhóm vị thành niên/thanh niên mà còn với nhiều đối tượng khác.
Sau nhiều khóa tập huấn của Trung tâm CGFED về hình thức sinh hoạt “kịch tương tác”, hầu hết các thành viên tham gia sinh hoạt CLB này đều nắm rõ cách thức xây dựng nội dung tiểu phẩm kịch mang các thông điệp truyền thông. Theo đó, một tiểu phẩm kịch tương tác vận dụng tối đa các chất liệu âm nhạc, dân ca gia tăng sự phấn khởi cho người đóng kịch lẫn người xem. Những điểm dừng trong cao trào vở kịch trở thành mấu chốt tương tác với người xem, kích thích họ trả lời, đặt câu hỏi xoay quanh câu chuyện đang bị gián đoạn. Đặc biệt, tại Liên hoan Tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2012, Phú Yên đã vượt qua nhiều đội thi khác bằng một tiểu phẩm kịch tương tác xuất sắc.
Làm việc nhóm là một phương pháp khác mà Trung tâm CGFED giới thiệu trong truyền thông. Phương pháp này đề cao tinh thần tập thể, giúp đối tượng truyền thông rụt rè, nhút nhát có thể đưa ra chính kiến. Còn photovoice tạm hiểu là phương pháp kể chuyện qua ảnh. Photovoice vượt qua rào cản ngôn ngữ, người tiếp cận có thể dễ dàng được thu hút đưa ra chính kiến, là công cụ vận động truyền thông tích cực. Anh Huỳnh Hoàng Hải, cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ TX Sông Cầu cho biết: “Phương pháp photovoice mới chỉ được các chuyên gia Trung tâm CGFED tập huấn cho cán bộ dân số. Các em cũng sẽ đưa ra ý kiến của mình thông qua hình ảnh. Tôi tin rằng với photovoice, các vấn đề tế nhị trong chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của nhóm vị thành niên/thanh niên sẽ được các em cởi mở dễ hơn”.
Trung tâm CGFED đang phối hợp với Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức chiến dịch có tên “Cùng chia sẻ”, đưa chương trình giáo dục giới tính phổ biến sâu rộng vào trong nhà trường. Phương pháp giúp học sinh giảm bớt sự ngại ngùng tiếp nhận kiến thức là “học sinh tích cực”. Bí quyết của phương pháp này là tạo mọi điều kiện để học sinh tham gia vào bài giảng.
Ông Nguyễn Chí Lân, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sông Hinh cho biết: “Kiến thức về khám phá cơ thể và chăm sóc sức khỏe sinh sản được các em tiếp thu rất chủ động thông qua các trò chơi và làm việc nhóm. Tôi tin phương pháp giáo dục này sẽ giúp các em tiếp cận đầy đủ hơn chương trình giáo dục giới tính”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Kim Thúy, Phó giám đốc Trung tâm CGFED, để nhóm yếu thế bày tỏ chính kiến trong học tập, trong sinh hoạt cộng đồng là một việc rất khó. “Kịch tương tác”, “làm việc nhóm”, “photovoice”, “học sinh tích cực” là những phương pháp truyền thông hiện đại, đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng nhằm tạo sự tự tin cho nhóm yếu thế. Vì vậy, các phương pháp truyền thông này có thể sử dụng hiệu quả với nhiều đối tượng khác như nông dân, người cao tuổi, phụ nữ...
Đến nay, ngành Dân số Phú Yên đã phát triển được 42 CLB theo mô hình mà Trung tâm CGFED đã phối hợp xây dựng. “Ngành Dân số Phú Yên xác định vị thành niên/thanh niên là đối tượng chính trong việc nâng cao chất lượng dân số. Ý tưởng này phù hợp với mục tiêu của Trung tâm CGFED nên họ đã tạo nhiều điều kiện hỗ trợ về vật chất, đặc biệt là kỹ thuật, phương pháp để giúp nhóm vị thành niên/thanh niên tiếp cận tốt nhất chương trình DS-KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số”, bà Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cho biết.
DIỆU ANH