Chủ Nhật, 24/11/2024 11:30 SA
Nỗi niềm… cán bộ văn hóa xã
Thứ Sáu, 16/08/2013 14:00 CH

Cán bộ văn hóa - xã hội (VHXH) là 1 trong 7 chức danh chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã nhưng lại đảm nhận nhiệm vụ của “nhiều sở gộp lại”, như văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; lao động, thương binh - xã hội, gia đình, truyền thanh, phát hình,... Tuy nhiên, thu nhập của những cán bộ này lại thấp, cuộc sống khó khăn, nhiều người đành bỏ việc.

Các bí thư, chủ tịch xã mà tôi gặp hay gọi vui rằng cán bộ văn hóa cơ sở của mình là những người chức vụ “đầy mình” nhưng khổ một nỗi thu nhập thấp, kinh phí hoạt động tùy thuộc vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Như ở Phú Yên, toàn tỉnh có 112 cán bộ VHXH xã, phường, thị trấn, trong đó chưa quá 50% được đào tạo nghiệp vụ quản lý văn hóa và đa số cũng chỉ đạt trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Số còn lại thì chủ yếu qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do tỉnh, huyện tổ chức, hoặc tự học. Cũng có xã đưa cán bộ VHXH đào tạo trình độ đại học nhưng vừa tốt nghiệp xong đã tìm hoặc đưa qua chỗ… khác.!

bdvn130816.jpg

Biểu diễn văn nghệ ở xã luôn thu hút đong đảo người dân tham gia - Ảnh: M.TÂM

“LÀM CHO VUI”

Tìm hiểu về mức kinh phí ngân sách hàng năm cho hoạt động văn hóa - thể thao của cấp xã, có thể thấy mỗi xã bố trí mỗi kiểu. Cụ thể, ở xã vùng đồng bằng, kinh phí cho hoạt động văn hoá, thể thao, truyền thanh nơi nào thấp nhất cũng hơn 30 triệu đồng/năm. Ví như An Ninh Tây (Tuy An) là xã có mức phân bổ kinh phí cao, khoảng 80 triệu đồng/năm. Các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số như Ea Lâm (Sông Hinh) 15 triệu, Suối Trai (Sơn Hòa) 8 triệu, PhúMỡ (Đồng Xuân) 4 triệu…

Còn ở miền núi, Kpáy Khương, Trưởng ban VHXH xã Suối Trai kể: Hôm trước, tôi đưa đội bóng chuyền thi đấu giải huyện nhưng không đủ tiền cho vận động viên ăn cơm trưa vì kinh phí cấp cho hoạt động văn hóa đã “cạn”. Còn Chủ tịch UBND xã Suối Trai thì có cách lý giải khác: “Chẳng phải xã phân bổ kinh phí thấp mà cái chính là do thiếu cán bộ “được việc”. Khi cán bộ có nghiệp vụ, năng động, biết tổ chức công việc thì xã sẵn sàng bố trí đủ kinh phí theo nhu cầu; trước đây, có cán bộ văn hóa được phân bổ 4 triệu đồng/năm nhưng… không biết làm gì cho hết!”.

Tại một lớp tập huấn công tác văn hóa cơ sở do Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức, chỉ mới gặp 5-7 cán bộ, ai cũng than: Công việc thì nhiều mà thu nhập thì chẳng bao nhiêu! Khảo sát công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình xã Ea Trol (Sông Hinh), không thấy có cán bộ phụ trách văn hóa, Phó chủ tịch UBND xã Nay Y Bình cho biết: “Cán bộ văn hoá của xã đã tự động bỏ việc, hiện chưa có người thay. Nguyên nhân là do “nó” không có bằng cấp nên xếp theo diện hợp đồng với mức phụ cấp, thu nhập thấp. Vì thế, “nó” làm việc “bữa đực, bữa cái”, thích thì làm, không thích thì ở nhà, khi xã có việc cần phải cử người ra… rẫy mà tìm. Xã cho “nó” đi học lớp quản lý văn hóa ở tỉnh thì “vợ nó” không cho đi. Như vậy thì chúng tôi đành chịu chứ biết làm sao…!”.

So Chăm Minh, cán bộ VHXH xã Ea Chà Rang (Sơn Hòa) là bộ đội phục viên cũng thiếu bằng cấp nên phải xếp theo cấp phó (là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, theo quyết định của UBND tỉnh). So Chăm Minh nói: Nhà mình cách trụ sở xã khoảng 2 cây số, ngày 4 lượt đi về rồi công tác về các thôn, buôn; với mức phụ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng, tiền xăng xe đã tiêu hết nửa. Thu nhập chủ yếu của gia đình mình là nuôi bò và trồng sắn mía, còn công việc ở xã thì “làm cho vui”, chứ trông chờ vào đấy chỉ có mà... chết đói!

CẦN CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP

Đáng quan ngại hơn, đa phần cán bộ văn hóa người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa có ai được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Vào một buôn đồng bào Ê đê ở xã Ea Trol (Sông Hinh) hỏi người dân: Nhà mình có biết tại sao phải xây dựng gia đình văn hóa, buôn văn hóa không? Có hộ trả lời: “Không biết. Cán bộ nó nói gì tao không hiểu”. Khi cán bộ mà trình độ nghiệp vụ “lơ mơ”, ấp úng trong công tác vận động, người dân không hiểu cán bộ nói gì cũng là lẽ đương nhiên. Còn ở xã Ea Chà Rang, từ năm 2005 đến nay, xã đã 5 lần thay cán bộ VHXH do làm không “chạy” việc, trong đó cóngười bỏ việc vì lương không đủ sống.

Trong thực tế cuộc sống, không ai xem nhẹ vị trí, vai trò của cán bộ và hoạt động văn hóa cấp xã. Bởi vì phần lớn công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở như xây dựng gia đình văn hoá; thôn, buôn văn hóa, xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân,... đều do cán bộ văn hóa xã tổ chức thực hiện. Trong đó, hoạt động văn hóa thông tin cơ sở miền núi góp phần nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc ngăn chặn gieo rắc ấn phẩm văn hóa độc hại, tà đạo xâm nhập trái phép, đẩy lùi tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; đồng thời tạo sự bình đẳng về hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả của công tác này, một cán bộ xã khẳng định rằng, tùy thuộc rất nhiều vào trình độ, năng khiếu, sự nhiệt tình và năng động của mỗi cán bộ phụ trách lĩnh vực này. Chuẩn của một cán bộ văn hóa thường là “phải giỏi một việc, biết nhiều việc” như thành thạo kỹ năng tuyên truyền miệng, đàn hát, viết vẽ, làm trọng tài thể thao, có khả năng “cầm càng” các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội… của địa phương.

Nên chăng, các cấp có thẩm quyền và ngành chức năng cần có chính sách cụ thể, phù hợp cho cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn phải được ưu tiên hơn một mức so với các vùng khác. Có như vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống; mức hưởng thụ về văn hoá của người dân nói chung và miền núi mới thật sự ngày càng được cải thiện, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã chỉ rõ, khẳng định…

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek