Thời gian qua, hoạt động công chứng đã góp phần làm chuyển biến công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ khi Luật Công chứng có hiệu lực và sự xuất hiện của các văn phòng công chứng (VPCC) tư nhân đã kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên Nguyễn Công Danh cho biết:
Người dân xã Hòa Đồng (Tây Hòa) công chứng giấy tờ tại bộ phận “một cửa” UBND xã - Ảnh: T.THẢO
Từ khi Luật Công chứng và Nghị định 79/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 đã giải quyết cơ bản những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực công chứng, chứng thực; kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tăng cường hoạt động tư pháp hướng về cơ sở. Trong đó đã giao thẩm quyền cho cấp xã thực hiện công tác chứng thực, đặc biệt là cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, tăng cường năng lực tiếp cận hệ thống tư pháp của nhân dân được xác định trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
* Qua hơn 6 năm thực hiện Luật Công chứng, ông đánh giá thế nào về những đóng góp của hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh?
- So với trước đây, Luật Công chứng và hoạt động xã hội hóa công chứng đã phân biệt rõ ràng về hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực; giảm sự quá tải về công chứng, chứng thực tại Phòng công chứng số 1 và UBND cấp huyện đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, hoạt động công chứng của các VPCC đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung; góp phần phục vụ quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; góp phần phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…
* Hiện nay, công tác xã hội hóa công chứng có xu hướng ngày càng phát triển, cụ thể là các VPCC tư nhân được thành lập. Vậy, chất lượng của công chứng viên ở đó như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, các VPCC được thành lập trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Người đại diện theo pháp luật của VPCC là Trưởng văn phòng. Vì vậy, mọi hoạt động, hành vi của công chứng viên đều liên quan và ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động của VPCC. Nếu công chứng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ yếu, ít am hiểu pháp luật về công chứng sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của VPCC và ngược lại.
Đồng thời, để đảm bảo việc công chứng các hợp đồng, giao dịch an toàn, không vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, công chứng viên ngoài việc phải am hiểu sâu và tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động công chứng, còn phải am hiểu nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng và các quy định cụ thể liên quan đến công chứng; có phẩm chất, đạo đức tốt… Còn VPCC có uy tín là phải thực hiện đầy đủ tất cả các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động công chứng, thu phí công chứng; các hợp đồng, giao dịch phải được công chứng an toàn, đúng pháp luật; có thái độ phục vụ ân cần, niềm nở, không quan liêu, hách dịch, không gây phiền hà; trụ sở phải khang trang, sạch đẹp và chuyên nghiệp, kịp thời đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
* Việc tổ chức làm việc ngày thứ 7 của các phòng công chứng hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Theo Quyết định 127/QĐ-TTg ngày 1/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thì lĩnh vực công chứng là một trong những lĩnh vực tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh Phú Yên về nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức còn ít, hơn nữa đã có 2 VPCC hoạt động, nên Phòng công chứng số 1 tỉnh Phú Yên tạm dừng bố trí tổ chức làm việc ngày thứ bảy hàng tuần; còn các VPCC do tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân vẫn tổ chức làm việc ngày thứ bảy, kịp thời đáp ứng nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân.
* Kế hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo lộ trình xã hội hóa trong thời gian đến ra sao, thưa ông?
- Để phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo lộ trình xã hội hóa, thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1840 ngày 12/11/2008 phê duyệt Đề án thành lập và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Mục tiêu đến năm 2015, sẽ có 18 VPCC, đảm bảo các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có VPCC. Hiện nay, đã ra quyết định thành lập và cấp giấy đăng ký hoạt động cho 5 VPCC theo quy định của pháp luật.
VPCC ra đời đã giải quyết cơ bản gánh nặng bao cấp của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, biên chế...; phục vụ kịp thời cho các nhu cầu công chứng của tổ chức, công dân, đảm bảo quan hệ dịch vụ bình đẳng giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng; minh bạch hóa, đơn giản hóa trình tự, thủ tục công chứng, phát huy tính chủ động, tích cực của công chứng viên trong quá trình tác nghiệp, loại bỏ lối làm việc bàn giấy, độc quyền của công chứng viên thời gian qua.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)