Những năm qua, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Yên hỗ trợ vốn cho nhiều giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện miền núi Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa. Số vốn hỗ trợ tuy chưa nhiều nhưng đã giúp các thầy cô giáo vượt qua khó khăn.
Nhà báo Huỳnh Hiếu, Trưởng đại diện Văn phòng Báo Tuổi Trẻ khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên trao vốn hỗ trợ cho giáo viên - Ảnh: N.HÂN
Lễ trao tiền trợ vốn đợt 3 cho giáo viên do Báo Tuổi Trẻ hỗ trợ được tổ chức tại Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa. Có 40 thầy cô giáo được nhận với tổng số tiền 200 triệu đồng. Thầy giáo Trần Văn Thịnh, giáo viên Trường THCS Kpa Kơ Lơng, xã Cà Lúi, phấn khởi nói: “Sau bao năm vất vả với nghề, thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ nuôi con ăn học. Nhận được số vốn hỗ trợ này, tôi sẽ nuôi một cặp heo và trồng sắn để cải thiện cuộc sống gia đình. Hy vọng sau 2 năm hoàn lại vốn, vợ chồng tôi sẽ dành dụm được ít tiền để sửa lại căn nhà”. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh, giáo viên Trường mầm non 24/3 xúc động khi nhận được tiền hỗ trợ, tâm sự: “Hơn 30 năm giảng dạy, chồng không có việc làm ổn định nên lương của tôi là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hai con đều đang học đại học nên chẳng dư dả gì. Vợ chồng tôi rất vui vì được trợ vốn lần này. Chúng tôi sẽ đầu tư vào chăn nuôi heo, gà, trồng thêm cây mía để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn”.
Tại buổi lễ trợ vốn, nhà báo Vũ Văn Bình, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ đã chia sẻ khó khăn với các giáo viên của huyện. Ông Bình cho biết: “Chúng tôi là những người làm báo, đi nhiều về các vùng sâu, vùng xa và biết rất nhiều các thầy cô đang gặp khó khăn. Chương trình “Hỗ trợ vốn cho giáo viên nghèo” ra đời cách đây hơn 15 năm từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận và mở rộng đến miền Trung. Đến nay, đã có hàng ngàn giáo viên được nhận trợ vốn. Báo Tuổi Trẻ chỉ mong các thầy cô xem đây như là món quà tinh thần vì số tiền trợ vốn còn quá nhỏ bé, chỉ giúp đỡ một phần nào cho cuộc sống gia đình. Để số tiền nhỏ này được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, chúng tôi biết các thầy cô giáo đã phải nỗ lực, tiết kiệm, phấn đấu hết sức cộng với nguồn lực sẵn có trong gia đình tổ chức sản xuất, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”.
Nhớ lại chuyện cũ, thầy giáo Ksor Be, giáo viên Trường tiểu học Ea Bá (huyện Sông Hinh) phấn khởi thông tin: “Năm 2006, tôi được nhận 5 triệu đồng trợ vốn của Báo Tuổi Trẻ, hai vợ chồng quyết định mua cặp heo giống và trồng 1ha sắn. Mỗi năm cho xuất chuồng được 2-3 lứa heo nên cuộc sống gia đình trở nên thoải mái hơn”. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Yên, tuy số tiền trợ vốn không nhiều nhưng đã thể hiện được sự quan tâm và chia sẻ những khó khăn mà giáo viên ở các huyện miền núi gặp phải. Bước đầu, chương trình “Hỗ trợ vốn cho giáo viên nghèo” đã có tác động tích cực vào đời sống giáo viên các huyện này. Với 5 triệu đồng/giáo viên, không tính lãi trong vòng 2 năm, sau đó chương trình thu hồi vốn và tiếp tục hỗ trợ cho giáo viên huyện Sơn Hòa, các thầy cô giáo đã sử dụng đồng vốn trên khá hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau như chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, kinh doanh nhỏ, lẻ… “Do tính chất công việc chiếm khá nhiều thời gian nên nhiều thầy cô chọn chăn nuôi heo, bò, trồng sắn, mía là giải pháp làm kinh tế phù hợp và có hiệu quả nhất”, bà Huyền cho biết.
NGỌC HÂN