Thứ Tư, 09/10/2024 17:24 CH
Nông dân làm ruộng còn ngại… khó
Thứ Sáu, 16/08/2013 14:00 CH

Làm nông là công việc đòi hỏi sự chịu khó, cần mẫn. Thế nhưng, một số nông dân trồng lúa chưa phát huy được những đức tính này.

nong130816.jpg

Ruộng nhà bà Dương Thị Khánh sau 3 lần phun thuốc mà cỏ vẫn mọc um tùm, tốn nhiều công nhổ cỏ - Ảnh: T.HÀ

LÀM GÌ CŨNG THẤY KHÓ

Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc trồng lúa nhằm tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững, Bộ NN-PTNT đã quyết định xây dựng chương trình 3 giảm, 3 tăng áp dụng cho canh tác lúa. Khi áp dụng chương trình thì năng suất lúa có chiều hướng tăng và điều chính yếu là tăng lợi nhuận cho người nông dân mà vẫn đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Ở xã Hòa An (Phú Hòa), người dân đã thực hiện chương trình này từ rất sớm, nhưng sau đó vài năm, mặc dù thấy rõ lợi ích của nó nhưng nhiều nông dân quay lại cách làm cũ.

Từng có thời gian làm việc tại Sở NN-PTNT, ông Nguyễn Duyên là người có tâm huyết với công việc của người nông dân. Hiện ông đang công tác tại Chi cục Kiểm định chất lượng nông - lâm và thủy sản nhưng mỗi khi có cuộc hội thảo về nông nghiệp, ông Duyên vẫn tìm cách lồng ghép thêm những thông tin về cách làm mới, mang lại hiệu quả trong việc canh tác lúa để phổ biến cho bà con nông dân. Vài năm trước, khi tham dự hội thảo ở các tỉnh phía Nam, ông Duyên đã mang về dụng cụ làm cỏ sục bùn để giới thiệu cho nông dân Phú Yên. Dụng cụ sục bùn cấu tạo đơn giản, giống cào cỏ cải tiến có thêm hai bánh xe có răng chạy trên mặt ruộng, có tác dụng đưa phân bón xuống sâu trong đất, tránh hiện tượng bốc hơi và rửa trôi phân; đưa thêm dưỡng khí vào đất, thải trừ chất độc, giúp bộ rễ phát triển thuận lợi; trừ cỏ cho lúa, tăng năng suất lúa. Công cụ này đã được một số người dân quê ông ở xã Hòa Thành (Đông Hòa) áp dụng và cho năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, cũng chỉ được vài ba vụ là người dân lại thôi không làm nữa.

Lý giải cho việc đa số người dân không từ bỏ cách làm cũ, ông Nguyễn Duyên, nói: “Căn bản là quá trình thực hiện chương trình 3 giảm, 3 tăng đòi hỏi người dân phải chịu khó, thực hiện đúng quy trình từ khâu chọn giống đến làm đất, ngâm giống, gieo sạ. Chỉ riêng khâu gieo sạ thôi thì giống phải nẩy mầm đúng chuẩn thì khi cho vào máy kéo sạ hàng, giống mới có thể rơi xuống ruộng đồng đều. Nhiều người làm nông ở Phú Yên còn ngại khó nên không thể tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt như vậy”.

Việc sử dụng công cụ làm cỏ được phổ biến kỹ lưỡng, người dân cũng thấy được những mặt tích cực của nó, nhưng để làm cho thật hiệu quả thì nhiều người lại sẵn sàng nói “không”. Lý do được đưa ra là: “Muốn sử dụng dụng cụ làm cỏ sục bùn thì phải tiến hành sạ hàng. Mà đã sạ hàng thì phải chọn giống tốt, ngâm ủ đúng thời gian. Trong khi nông dân Phú Yên có thói quen lấy lúa thịt làm giống, hạt lép, lúa lẫn tạp nhiều nên khi lúa nẩy mầm không đều, rất khó sạ hàng. Vì vậy, mặc dù dụng cụ làm cỏ sục bùn rất hiệu quả nhưng thấy khó nên họ không áp dụng”.

CẦN THAY ĐỔI

Khi hỏi vì sao đã có những quy trình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao nhưng vẫn giữ lối canh tác cũ, bà Nguyễn Thị Điệp ở thôn 2, xã Hòa Vinh (Đông Hòa) nói: “Chúng tôi có lý do để không áp dụng chương trình 3 giảm, 3 tăng. Thứ nhất, do thời tiết biến động, mưa gió thất thường, chuột, bọ phá hoại, ảnh hưởng đến gieo sạ. Khi lúa bị hư sẽ không đủ lúa con để cấy dặm lại. Thứ hai, người nào cũng có tâm lý sạ thưa thì lúc thu hoạch ít lúa, sạ dày thì đảm bảo lúa sẽ nhiều hơn nên để đảm bảo an toàn, chúng tôi vẫn làm theo cách cũ. Còn dụng cụ làm cỏ sục bùn cũng hay, nhưng đã không sạ lan thì không thể áp dụng được”.

Theo ông Duyên, những nhận định trên xuất phát từ chỗ người nông dân chưa hiểu thấu đáo vấn đề. Bởi nếu sạ dày mà gặp mưa lớn thì thời gian đầu gieo sạ, lúa vẫn bị hư. Vụ lúa hè thu vừa rồi ở cánh đồng thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành là một ví dụ. Còn chuột, bọ đã phá hoại thì dù lúa có dày hay thưa thì vẫn bị phá như nhau, bởi chúng không phải cắn vài cây, bỏ vài cây mà cắn luôn một khoảnh. Lúa cần không gian để phát triển, để cây mập mạnh, cho bông khỏe, nếu gieo trồng với mật độ quá dày thì không những sẽ khiến cây lúa bị chèn ép, ốm yếu mà còn dễ phát sinh sâu bệnh, năng suất giảm, tăng chi phí phân thuốc. Còn nếu người nào cảm thấy chưa yên tâm với mật độ sạ hàng thì có thể gia thêm giống ở một góc ruộng, nếu thời tiết bất lợi, lúa bị hư thì dùng mạ đó dặm vào. Phải làm theo cách mới thì mới ứng dụng được những công cụ tiên tiến”.

Bà Dương Thị Khánh ở xã Hòa An (Phú Hòa) cho biết: “Việc thực hiện 3 giảm đã được chúng tôi thực hiện từ nhiều năm trước, nhưng chỉ trong hơn 2 năm là quay lại cách làm cũ. Hiện giờ vẫn còn khoảng 1/3 người dân ở đây giảm giống, sạ hàng; còn chúng tôi đã chuyển sang sạ lan. Sạ theo chương trình 3 giảm thì giảm được rất nhiều giống, chỉ từ 7-10kg/sào (thay vì 13kg/sào), ít cỏ, ít sâu bệnh, ít chi phí, năng suất cao nhưng rất nhọc công. Nhà cần phải có lao động mới làm được. Còn sạ lan thì chỉ mang giống rải xuống ruộng, giống mọc như thế nào cũng được, ai làm cũng được mà lại nhanh, không phải tỉ mỉ”.

Kết quả là vụ lúa năm nay trên ruộng nhà bà Khánh, mạ chỗ mọc dày, chỗ mọc thưa; đã qua 3 lần phun thuốc mà cỏ vẫn cứ lấn át lúa, phải thuê công nhổ bằng tay. Không nhổ thì bón bao nhiêu phân cỏ cũng hút hết mà lúa không trổ bông; mà nhổ cả một đám như cỏ hoang thì chẳng gì nhọc công bằng.

Có lẽ bà con nông dân mình phải cần mẫn, chịu khó thêm chút nữa, bởi công việc làm nông là việc chính nên phải chăm chút cày xới thì mới có thể gặt hái được những mùa bội thu.

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek