Nấu được nhiều món ăn ngon cho gia đình, người thân và bạn bè thưởng thức là mong muốn của rất nhiều chị em. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều năm qua, Trung tâm Dạy nghề công đoàn Phú Yên đã tổ chức các lớp học nấu ăn giúp chị em có điều kiện thể hiện vai trò “người vợ, người mẹ đảm đang, dâu con tháo vát”.
Lớp học nấu ăn do Trung tâm Dạy nghề công đoàn Phú Yên tổ chức - Ảnh: N.HÂN
Mang theo sự tò mò, tôi tìm đến lớp học nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề công đoàn Phú Yên để xem những học viên ở đây học nấu nướng như thế nào. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là lớp không chỉ dành cho nữ giới mà có cả nam giới. Học viên trong lớp khoảng 20 người, nhiều lứa tuổi: trẻ có, trung niên có nhưng tất cả đều tiếp thu bài học một cách nghiêm túc, chăm chú và hào hứng. Chị Đặng Kim Nga ở phường 2 (TP Tuy Hòa) vui vẻ nói: “Xã hội hiện đại du nhập nhiều món ăn mới thì mình cũng nên biết. Những cái mới mẻ này lại khó có thể học được ở thế hệ trước như mẹ mình vốn chỉ quen với những món ăn thuần Việt truyền thống. Mâm cơm gia đình luôn có món mới xuất hiện, bữa ăn không nhàm chán mà mình được thỏa chí đam mê. Cảm giác đó thật là thú vị. Vào bếp nấu nướng đôi khi cũng là cách xả stress hiệu quả mà lại không tốn kém như mua sắm. Quan trọng hơn là được chồng yêu, mẹ chồng quý”. Đó cũng là lý do để chị có mặt tại đây.
Không chỉ riêng chị Nga, hiện nay có khá nhiều bạn gái trẻ đang tìm cách nâng cao khả năng nội trợ. Có người học từ mẹ và chị gái, có người qua sách, báo, ti vi và có người thì tìm đến trung tâm dạy nghề. Họ học nấu ăn với muôn vàn lý do. Hoàng Bảo Châu ở phường 7 (TP Tuy Hòa) có mái tóc nhuộm vàng, dáng vẻ rất “xì tin” bảo rằng, đang theo học nấu các món ngon, cách làm bánh, tỉa củ quả… để “phổ cập” trước khi lên xe hoa. Bảo Châu cười thật tươi: “Từ ngày học nấu ăn, có thể chế biến được nhiều món lạ và hấp dẫn để cả nhà cùng thưởng thức, em rất vui”.
Các lớp học nấuăn tại trung tâm mỗi khóa học kéo dài 2 tháng với mức học phí 500.000 đồng, học viên sẽ được cung cấp các kiến thức cơ bản để làm các món canh riêu cua, bò lúc lắc, cá hấp, lẩu các loại như lẩu cá chình, lẩu cua đồng... Đặc biệt, các món “nhâm nhi” dành cho các ông chồng cũng phong phú như bò cuốn lá cải, dê tái chanh… Tại lớp học, các cô giáo Trương Thị Phương Ánh, Lê Thị Lệ, Trương Thị Lài là những giáo viên chủ công đang dạy thực hành tại trung tâm luôn bị vây chặt bởi những câu hỏi từ học viên: Làm sao để giữ được màu xanh của rau sau khi luộc? Luộc tôm bằng cách nào thì sẽ giữ được vị ngọt? Cách luộc trứng để dễ bóc vỏ, cách trình bày món ăn để trông bắt mắt… Các yêu cầu này được giáo viên hướng dẫn tỉ mỉ và được các học viên ghi chép lại một cách cẩn thận. Bằng đôi tay khéo léo, chưa đầy 10 phút, cô giáo Phương Ánh đã tỉa xong một con thiên nga rất đẹp, khiến không ít học viên trầm trồ, khen ngợi. Chị Hạnh Dung, một học viên mới không giấu nổi niềm vui: “Trước đây, do nhiều việc và cũng hơi ngại bếp núc, nên em không để tâm nhiều đến việc nấu nướng. Bây giờ, dành thời gian tìm hiểu mới biết có rất nhiều điều thú vị và bổ ích”.
Theo suy nghĩ của nhiều người, các quán cơm với đủ loại thức ăn nấu sẵn là sự tiện ích của các bà nội trợ, đặc biệt là những gia đình công chức. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình vẫn không thể thiếu vắng những bữa cơm đầm ấm do chính bàn tay người mẹ, người vợ chăm chút cho chồng con. Vì thế, không có lý do gì phụ nữ thời @ lại lãng quên mất vai trò “thủ lĩnh” nhà bếp của mình. Niềm vui và sự hứng khởi hiện rõ trên từng khuôn mặt khi chị em khoe với nhau về những thành quả mà mình đã học được để đãi gia đình.
KHÁNH VY