15 năm làm Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Đa Lộc (Đồng Xuân), ông Đoàn Văn Tươi (1958), dân tộc Bana đã cùng chính quyền địa phương vận động bà con trong thôn thực hiện tốt các chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng bà con hăng say lao động sản xuất, thoát đói nghèo.
Ông Đoàn Văn Tươi, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Đa Lộc - Ảnh: T.TIÊN
Ông Đoàn Văn Tươi tâm sự: “Thôn 1, xã Đa Lộc có 196 hộ dân với 892 người, tất cả là người đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, đời sống kinh tế còn rất khó khăn. Từ khi được bầu làm Bí thư chi bộ của thôn, tôi đã luôn tìm mọi cách để thoát nghèo cho gia đình và bà con trong thôn”. Để làm được điều này, theo ông Tươi, trước tiên bản thân, gia đình mình phải làm trước, nêu gương để bà con trong thôn học tập, làm theo. Với ý nghĩ đó, ông Tươi đã cùng gia đình nỗ lực làm kinh tế. Từ tay trắng, ông đã khai hoang đất làm rẫy, học tập cách trồng lúa nước của người Kinh, chăn nuôi gia súc… Sau nhiều năm cố gắng làm ăn, đến nay gia đình ông Tươi đã có hơn 3ha đất trồng mía, sắn, hơn 3 sào lúa nước và đàn bò gần chục con. Hàng năm gia đình ông thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình trở nên khấm khá, có nền tảng vững chắc.
Ông Đoàn Văn Tươi chia sẻ: “Khi vận động bà con trong thôn chuyển đổi tập quán từ đi rừng sang trồng sắn và mía, bà con còn e ngại chưa tin tưởng. Nhưng sau mấy vụ mùa thu hoạch, thấy thu nhập của gia đình tôi ngày một khá, nhiều gia đình trong thôn hào hứng làm theo. Bà con tận dụng các diện tích đất rẫy bỏ hoang, cải tạo để trồng sắn và mía. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện vay vốn, tập huấn…, năng suất nông sản mỗi năm mỗi tăng nên bà con rất phấn khởi. Đến nay phần lớn gia đình trong thôn đều có rẫy trồng sắn, mía, bà con dần thoát khỏi đói nghèo. Bà Nguyễn Thị Ren ở thôn 1, cho biết: “Nhờ được bí thư Tươi hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, bà con đã biết cách trồng trọt giúp cây trồng tăng năng suất. Hiện nay nhà tôi đã trồng được 3,5ha sắn và mía, cuộc sống gia đình ngày một ổn định, con cái được đi học đàng hoàng”.
Ngoài việc tích cực vận động bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, ông Đoàn Văn Tươi còn là cầu nối chuyển tải, phổ biến, tuyên truyền, giải thích và vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ông Tươi kể: Năm 1995, khi Nhà nước có chủ trương vận động bà con đình sản, giảm tỉ lệ sinh con, nhận thấy việc giảm sinh sẽ giúp bà con giảm đói nghèo, có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con cái…, tôi quyết tâm vận động người dân trong thôn thực hiện. Để công tác vận động đạt hiệu quả cao nhất, gia đình mình phải tiên phong thực hiện trước, thế là tôi về thuyết phục vợ mình đi đình sản. Sau đó, bà con, nhất là phụ nữ trong thôn thấy bà nhà tôi đình sản, sức khỏe không bị ảnh hưởng gì nên đã mạnh dạn làm theo”. Theo ông Tươi, muốn công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả thì người tuyên truyền phải bám sát tình hình thực tiễn của thôn, hoàn cảnh của từng gia đình, nắm bắt và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, trong đó đặc biệt chú trọng đến chăm lo phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giúp bà con thoát nghèo thì người dân sẽ hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Bí thư Đảng ủy xã Đa Lộc, Phạm Ngọc Thái nhận xét: Ông Đoàn Văn Tươi là một đảng viên gương mẫu, là bí thư thôn nhiệt tình năng nổ, góp phần cùng Đảng ủy xã kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến bà con, vận động, giải thích cho bà con hiểu và thực hiện theo đường lối, chủ trương của Đảng. Ông Tươi còn là tấm gương trong nỗ lực phát triển kinh tế, thoát đói nghèo để bà con trong thôn học tập.
THỦY TIÊN