Mỗi khi nghe thông tin chủ rừng chuẩn bị khai thác keo, bạch đàn, những người phụ nữ nghèo lại rủ nhau đi trảy cành, bóc vỏ cây thuê. Hàng ngày, các chị phải cặm cụi “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, chịu không ít khó khăn vất vả để kiếm tiền lo cuộc sống gia đình.
Nghề bóc vỏ cây là nguồn kiếm thêm thu nhập của nhiều phụ nữ - Ảnh: Q.HÙNG
NHIỀU VẤT VẢ
Những ngày này, đi dọc theo tuyến đường miền tây Phú Yên, nhiều nơi, hàng trăm thân cây keo lá tràm, bạch đàn được khai thác nằm la liệt ven đường. Cạnh đó, nhiều phụ nữ bịt khăn che mặt, cùng nhau gom thân cây lại thành từng đống; mỗi người một việc, người trảy cành, người bóc vỏ rất thuần thục với những dụng cụ đơn giản. Trời nắng nóng, lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Sơn Long (Sơn Hòa) vẫn lúi húi bóc vỏ cây keo với đôi tay nhanh nhẹn. Chị cho biết: “Công việc này không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, chỉ cần có sức khỏe, có thể chịu đựng cực khổ thì làm được thôi. Chỉ cần được “cầm tay chỉ việc” vài lần là ai cũng rành. Vả lại, đối với nghề bóc vỏ cây, chủ rừng thường khoán công nên ai làm nhiều được hưởng nhiều, ai chưa quen thì kiếm ít hơn. Trung bình, mỗi ngày, một người làm việc chăm chỉ có thể kiếm được từ 150.000 đến 200.000 đồng. Thấy tiền công cao hơn so với những công việc làm thuê khác, ai cũng phấn khởi”.
Thế nhưng, khi làm nghề, các chị mới thấm hết những nỗi vất vả, nhọc nhằn. Ngồi làm bên cạnh, chị Đoàn Thị Hồng Hà ở xã Sơn Định tiếp lời: “Chẳng ai làm nghề này mà lành lặn hết; không chân thì tay, hoặc là cả hai, chỗ nào cũng có sẹo. Mọi người thường đùa rằng chúng tôi “bóc vỏ cây ra tiền” nhưng làm gì mà chẳng đánh đổi”. Nói rồi, chị Hà tháo đôi găng tay vải, để lộ ra những ngón tay chai sần, đầy sẹo để chứng minh.
Theo nhiều phụ nữ làm nghề bóc vỏ cây, để làm nghề, mỗi người tự trang bị cho mình một đôi găng tay, một chiếc nĩa sắt được đập dẹp một đầu để bóc vỏ cây keo và một cái rựa hoặc dao để trảy cành. Công việc tuy đơn giản nhưng trong lúc làm việc, không chóng thì chày, các chị sẽ gặp những “tai nạn nghề nghiệp”. Nhẹ thì bị kiến và các loài côn trùng đốt mình mẩy sưng tấy, gai rừng đâm vào tay chân, cào rách thân thể... Nguy hiểm hơn là không cẩn thận bị cây đập phải, bị tai nạn do dao, rựa có thể để lại những thương tật suốt đời.
BỚT NỖI LO CƠMÁO
Biết là vất vả nhưng mỗi khi nghe tin có chủ rừng chuẩn bị khai thác keo, bạch đàn là các chị lại rủ nhau đi. Chị Lê Như Tiên ở xã Sơn Nguyên cho biết: “Chúng tôi phải thức dậy từ sáng sớm, nấu cơm ăn sáng và mang theo bữa trưa. Công việc nhiều lúc kéo dài đến chiều tối, bụng đói meo nhưng vẫn cố làm cho xong rồi lĩnh công. Dù biết vất vả, nguy hiểm nhưng không có nghề nghiệp thì biết làm việc gì để kiếm tiền nuôi con bây giờ. Tôi làm nghề bóc vỏ cây đã hơn 5 năm, quen khá nhiều chủ rừng nên mỗi khi đến mùa khai thác keo, bạch đàn là họ lại gọi cho tôi. Nhờ nghề này mà gia đình tôi thêm thu nhập, con tôi không phải bỏ học giữa chừng”.
Còn chị Lê Như Hà, em gái của chị Tiên, thì cho hay, chồng chị bệnh tật triền miên, không còn khả năng lao động nên cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào từng đồng tiền làm thuê ít ỏi của chị. Để kiếm tiền chu cấp cho con ăn học, ai thuê gì chị làm nấy từ cuốc cỏ mía, chặt mía thuê... Một hôm, chị Tiên đến chơi, thấy chị Hà làm thuê đầu tắt mặt tối mà không đủ cái ăn nên rủ chị đi bóc vỏ cây kiếm thêm thu nhập. Tuy vất vả nhưng có đồng ra đồng vào lo cho gia đình. Ba đứa con chị Hà, một chuẩn bị tốt nghiệp đại học, một đang học lớp 10 và đứa còn lại thì học lớp 5. “Dù khó khăn đến mấy, tôi cũng ráng cho con học đến nơi đến chốn, hy vọng đời con mình có công việc tốt hơn. May là các cháu biết ngoan ngoãn, nghe lời, chăm chỉ học hành nên tôi cũng yên tâm”, chị Hà chia sẻ.
QUỐC HÙNG