Đa số người dân ở xã An Định, huyện Tuy An sống bằng nghề nông. Bên cạnh đó, còn có một số người sống bằng nghề truyền thống như đan lát, làm cốm… An Định có một làng nghề từng nổi tiếng và được nhiều người biết đến qua sản phẩm cốm Phong Hậu.
Dân Phong Hậu kể rằng: làng cốm hình thành cách đây trên 100 năm và mang tên làng cốm Thiên Tự (theo cách giải thích của bà con nơi đây thì “Thiên Tự” là trời tự ban cho làng một cái nghề, sau này đổi thành Phong Hậu. Đây được coi là làng nghề nổi tiếng ở Phú Yên, hầu hết người dân trong làng đều sống bằng nghề làm cốm. Nguyên liệu để làm cốm có sẵn ở địa phương như: nếp, đường, bắp với các công cụ: thúng (trộn bột, chà bột), cối chày (giã bột), chảo (nấu đường), khuôn in cốm. Đặc biệt khuôn in làm bằng gỗ, hình chữ nhật có 3 kích cỡ khác nhau.
Cốm Phong Hậu - Ảnh: Trúc Lệ
Nếp dùng để làm cốm phải đem rang nổ, xay thành bột; đường nấu chín nặn ít nước chanh, gừng giã nhỏ bỏ vào trong lúc đường đã chín. Mục đích của việc nặn chanh, bỏ gừng là làm cho cốm thơm, đường khỏi bị khô. Sau đó, người thợ cốm đem trộn đều hỗn hợp trên trong một cái thúng, dùng đôi tay chà đến khi nào bột thật xốp thì cho vào khuôn in, hai tay đè thật mạnh trên nắp khuôn. Sau đó, họ để khuôn cách mặt đất, hai ngón tay cái đè nắp khuôn, miếng cốm tự rớt ra. Họ dùng tay vuốt nhẹ 4 cạnh để cho miếng cốm vuông, đẹp sau đó bỏ vào bì. Công thức làm cốm là 1kg nếp + 2kg đường. Trung bình một ngày, một gia đình 8 người làm 70kg nếp, trong đó 3 người bỏ sản phẩm vào bì, 5 người xử lý chế biến cho ra sản phẩm.
Cốm Phong Hậu rất phong phú, đa dạng: cốm vắt, cốm bột, cốm bắp. Riêng cốm vắt, cốm bắp thì nếp, bắp chỉ cần rang nổ rồi trộn với đường đã nấu, dùng hai tay vắt thật chặt. Cứ 1kg nếp, bắp trộn 2kg đường vắt được 50 vắt. Trang trí trên miếng cốm bột là ngôi sao 5 cánh, hoa văn này được khắc vào khuôn in. điểm nổi bật của cốm Phong Hậu là vừa thơm, vừa ngon, được nhiều người biết đến. Cốm được tiêu thụ mạnh ở chợ Đèo từ đó đi đến các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa.
Hiện nay làng cốm chỉ sản xuất tập trung vào dịp tết, ngày bình thường chỉ còn vài ba hộ gia đình làm cốm, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, cung cấp hầu hết cho các chợ lớn, nhỏ trong tỉnh, sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Cốm Phong Hậu không thể thiếu được trong mỗi gia đình vào dịp tết cổ truyền.
Nghề cốm ở Phong Hậu đảm bảo được kinh tế gia đình, bình quân một ngày công lao động đối với nam là 30.000đ, nữ 25.000đ. Làng cốm còn giữ được nét đặc trưng văn hóa của nghề, hàng năm cúng tổ nghề vào ngày mồng 9 tháng giêng mỗi gia đình làm cốm đều cúng 3 con gà, chè, xôi…
Hiện nay, sản phẩm bánh, kẹo sản xuất ở nhiều nơi, phong phú, đa dạng phần nào làm ảnh hưởng đến làng cốm Phong Hậu nhưng sản phẩm của làng vẫn đứng vững trên thị trường bởi vì cốm Phong Hậu có đặc trưng, từ chất liệu, hương vị đến hình thức… Chính vì vậy, cốm Phong Hậu được nhiều người ưa chuộng.
TRÚC LỆ