Gành Đá có hòn lớn và hòn nhỏ hơn nằm kề nhau. Hòn lớn có chiều cao khoảng 18 mét và dài khoảng 50 mét, chiều ngang 6 mét, hòn nhỏ cao khoảng 15 mét, dài khoảng 30 mét và rộng tương tự hòn đá lớn.
Đến trường bên gành Đá TRắng - Ảnh: Lê Minh
Hai hòn đá lồi lõm sần sùi, những đường rạn chằng chịt, quanh quẹo, to nhỏ khác nhau. Bình minh hay lúc hoàng hôn, từng mảng ánh sáng phản chiếu một màu ửng đỏ.
Xóm Bàu và xóm Gành Đá cùng thôn. Khi làm mương dẫn thủy và tỉnh lộ đã chia Gành đá, xóm Bàu ra làm hai xóm. Gành Đá phía ngoài con mương, xóm Bàu phía trong con mương. Được mang tên xóm Bàu vì thuở trước xóm là một vũng nước sâu làm thành cái bàu, lâu ngày đất phù sa phủ kín thành ruộng, dân cư đến lập nghiệp sinh sống.
Gành Đá sau ngày giải phóng có đường rộng xe ra vài dài hơn nửa cây số, xóa đi hình ảnh hòn cù lao nằm giữa biển cả mênh mông ngày xưa. Nơi đây có nghề truyền thống như mộc, nề, rèn, dệt vải, nhuộm…
Nghề đan lát nổi tiếng đã thành truyền thống của Mỹ Hòa. Cả xóm chuyên đan giỏ thưa nên nhân dân vẫn gọi là Xóm Giỏ.
Làng Tân Phú ở Mỹ Hòa có Vườn Đình nơi tập luyện 300 người thuộc “Thứ Xá” - đội quân Cần Vương mà Đề đôn người Mỹ Hòa chỉ huy. Bên Vườn Đình có lò đúc súng thần công và lò rèn gươm giáo. Thứ xã còn lập trường dạy võ tại Vườn Học ở ấp Mỹ Hòa mà thầy dạy là Nguyễn Hải (Ba Thung), Nguyễn Cương (Ba thời) người trong ấp. Đội quân thứ Xá phải rút lui trước vũ khí tối tân của địch vào năm 1887 tại chợ Hôm (TP Tuy Hòa).
Làng Tây Phú có ông Đào Tấn Tú 18 tuổi đỗ tú tài Hán học đầu tiên của Phú Yên và cũng là người Phú Yên đỗ khoa đầu tiên tại trường thi Huế năm Ất Dậu (1837), bốn năm sau đỗ cử nhân. Mãi đến 17 năm sau mới có người Phú Yên đỗ Tú tài tại trường thi này là ông Trương Chánh Đường làng Mỹ Thạnh xã Hòa Phong.
Năm 1936 Mỹ Hòa có ông Trần Hoang đậu bằng sơ học Pháp Việt mở trường tư dạy học. Ông Đào Tấn Nhu sống đến 93 tuổi được vua ban sắc “Tứ Thọ Dân”.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC