Vịnh Xuân Đài - Ảnh: D.T.X
Qua hết Trảng tranh 4 tiếng, lội qua lội lại con sông Bà Lá (đầu sông) hàng chục lần thì đến dốc Cà Te, nơi mà trong kháng chiến chống Mỹ giao liên đã soi đường. Ở bên kia núi là vùng dân tộc Ba Na cùng hệ Tô Lô thuộc khu 7 Gia Lai, là vùng Tỉnh ủy Gia Lai dựa để hoạt động chống Mỹ. Phía Phú Yên có một trạm đầu dưới Trảng tranh 4 tiếng; Gia Lai có trạm Cà Te. Ở đây có con sông Cà Te chảy về phía đất bằng giáp với sông Bà Lá. Vùng núi kín đáo, cao nhưng có điều kiện sản xuất lúa, bắp. Những năm chiến tranh, Mỹ rải chất độc hóa học, nhân dân vùng căn cứ và huyện Đồng Xuân phải lên đó đổi, mua bắp, lúa, sắn về ăn đi theo đường giao liên qua Trảng tranh 4 tiếng này.
Con sông Cà Te còn gọi là sông Bà Đài. Ở vùng thượng lưu huyện Đồng Xuân (vùng Thồ Lồ, Hà Đang, Ma Dú giáp ranh Cà Te, Gia Lai) có 2 con sông đều gọi là Bà Đài.
Từ “Bà” là tên gọi của Chăm Pa. Bà Đài có lẽ là một lãnh chúa lớn ở vùng này, và điểm xuất phát của lãnh chúa là từ núi cao tiến xuống biển, hoặc từ biển Bà Đài – vịnh Xuân Đài rồi lên ở đầu một nhánh sông Kỳ Lộ nên cũng gọi là sông Bà Đài. Rồi lại tiến về núi Cà Te (Gia Lai) sản xuất dọc theo sông Cà Te nên cũng gọi là sông Bà Đài. Ở đây còn tên các bà khác là chủ một làng buôn.
Huyện Đồng Xuân có nhiều nơi tên Cà Te, do đặc điểm của núi đó có nhiều cây gỗ cà te. Địa phương này cũng có nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ “Cà”: sông Cà Bương, sông Cà Lúi, sông Cà Tơn, suối Cà Te, núi Cà Dần, suối Cà Mí,v.v… Và cũng có thể hầu hết từ “Cà” và từ “Bà” tên sông suối, người Việt ta đều chuyển thành Hà như: Hà Trôi, Hà Đang, Hà Cát, Hà Rai, Hà Roi, Hà Bằng…, chỉ có Bà Đài (vùng biển Sông Cầu) chuyển thành Xuân tức vịnh Xuân Đài.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC