Làng gốm Quảng Đức thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về hướng bắc. Làng nằm ở ngã ba sông Ngân Sơn và sông Cái, phía bắc giáp sông Cái, phía nam giáp đầm Ô Loan. Ở đó có bến đò Lò Gốm và có cầu bắc qua sông Ngân Sơn gọi là cầu Lò Gốm.
Sản phẩm gốm Quảng Đức tráng men bằng võ sò Ảnh: TƯ LIỆU
Các nghệ nhân trong làng kể lại, làng gốm ở Quảng Đức có từ thế kỷ 17, phát triển rất mạnh vào thế kỷ 18. Đây được coi là một trong những làng nghề hình thành và phát triển sớm nhất tỉnh Phú Yên. Người dân trong làng đều sống bằng nghề làm gốm. Nguyên liệu để làm gốm ngoài đất sét ở An Thạch còn có loại đất sét khai thác từ vùng An Định nằm liền kề. Đất sét đem ủ, pha chế, sàng lọc, băm thật nhuyễn… mất thời gian khá lâu mới có nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để làm nên sản phẩm gốm Quảng Đức. Gốm được chế tạo bằng cách vuốt tay, dải cuộn (be chạch) cà bàn xoay. Sản phẩm gốm chủ yếu có 2 loại: có men và không men, kiểu dáng khá phong phú như: chén, dĩa, bát, nồi, nậm, bình vôi, hũ, vò, chóe, ổ bịp, lục bình… Hoa văn trang trí gồm khắc vạch, in hoặc đổ khuôn in hoa văn gắn nổi lên sản phẩm, hình sóng nước, dãy hoa văn vòng tròn, hoa mai, văn vỏ sò, hoa văn rồng, lân, hạc, tùng… Khuôn in hoa văn gốm làm từ đất nung, có dạng hình tròn, hình chữ nhật, hình bầu dục…
Điểm nổi bật của gốm Quảng Đức chính là việc tráng men trên gốm bằng vỏ sò huyết, loại sò nổi tiếng ở đầm Ô Loan. Các nghệ nhân cho biết: Sau khi tạo dáng sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ đưa sản phẩm vào bao nung, bỏ đầy vỏ sò huyết được khai thác ở đầm Ô Loan. Sau 3 ngày, 3 đêm nung bằng củi bằng lăng, vỏ sò nóng chảy bám vào bề mặt xương gốm tạo thành một lớp men màu xanh ngọc. Trên lớp men có dính một ít mảnh vỏ sò trông khá đặc biệt.
Lò nung gốm Quảng Đức là loại lò bầu có hai ống khói dùng để nung cả hai loại gốm có men và không men. Khi nung gốm không tráng men, việc sắp xếp sản phẩm được chú ý, tạo sự hợp lý và tận dụng diện tích, sản phẩm lớn ở dưới, nhỏ ở trên, sản phẩm nhỏ nằm trong sản phẩm lớn. Khi nung gốm có men phải dùng bao nung và thời gian kéo dài 3 ngày 3 đem, lò nung bằng củi cây bằng lăng, cây chành ngạnh… Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nét đặc trưng của gốm Quảng Đức là loại hình đa dạng, phong phú, độc đáo, kiểu dáng trang trí trên sản phẩm gốm Quảng Đức phần nào ảnh hưởng cách trang trí trên gốm của người Chăm. Đặc biệt một số hoa văn trên sản phẩm hay khuôn in có phần giống với gốm Gò Sành ở Bình Định.
Khi đồ nhựa, nhôm, y nốc dần thay thế sản phẩm thủ công nghề gốm có lịch sử lâu đời ở Quảng Đức dần mai một. Hiện nay ở An Thạch chỉ còn vài ba gia đình làm gốm nhưng sản phẩm đơn điệu theo thị hiếu của khách hàng.
Đảng và Nhà nước đang có chủ trương, chính sách để khuyến khích việc giữ gìn và phát huy giá trị nghề truyền thống. Làng gốm Quảng Đức được nhiều nhà khoa học biết đến và coi đây là làng gốm thật sự có giá trị trong việc nghiên cứu làng nghề ở Phú Yên. Từ nhiều năm qua, Bảo tàng Phú Yên đã đầu tư sưu tầm gìn giữ các sản phẩm và nghiên cứu các làng nghề truyền thống trong đó có làng gốm Quảng Đức. Hiện nay trong kho hiện vật Bảo tàng Phú Yên lưu giữ khá nhiều khuôn in, gốm tráng men bằng vỏ sò, chân đèn, lục bình, lư hương… Những sản phẩm này có cách đây hàng trăm năm. Đây là một nguồn tư liệu, hiện vật rất quí, cần thiết cho công tác nghiên cứu, phục vụ nhu cầu tham quan.