Ngành Y tế Phú Yên đang triển khai nhiều hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, đồng thời kêu gọi người dân cùng hưởng ứng hoạt động diệt bọ gậy. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết hiện nay vẫn gia tăng.
Cán bộ y tế huyện Phú Hòa phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh: Q.HỘI
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận trên 800 ca mắc sốt xuất huyết. Các huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao là Đông Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh và TP Tuy Hòa. Toàn tỉnh đã xử lý trên 30 ổ dịch sốt xuất huyết tại các địa phương. Đặc biệt là huyện miền núi Sông Hinh, đến nay đã ghi nhận trên 100 ca mắc. Ngành Y tế Phú Yên đã và đang chủ động phòng chống sốt xuất huyết, không để xảy ra thành dịch bằng các biện pháp dự phòng, điều trị, tổ chức giám sát ca bệnh mới để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc để điều trị bệnh sốt xuất huyết hoặc nghiêm cấm mọi trường hợp truyền dịch tại nhà; không nên chủ quan với các dấu hiệu sốt ban đầu, và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, hướng dẫn điều trị.
Bác sĩ Phạm Tấn Lập, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, cho biết: Trung tâm vừa tiến hành xử lý 2 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết tại 2 thôn Thạnh Lâm, Ngọc Sơn Đông của xã Hòa Quang Bắc; tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trên toàn thôn, điều tra côn trùng, đổ bọ gậy tại các hộ gia đình và phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân về bệnh sốt xuất huyết. Đến nay, toàn huyện có 5 ổ dịch và số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên toàn huyện là 145 ca, tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Tuy cán bộ y tế áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, nhưng nhận thức của người dân vẫn chưa cao. Nhiều hộ chưa tự diệt bọ gậy tại nhà mà còn trông chờ cán bộ y tế tham gia. Một bất lợi hiện nay là thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Do vậy, bệnh có thể còn tăng cao.
Ngành Y tế Phú Yên đang tăng cường công tác y tế dự phòng, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch. Tổ chức các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng; phát hiện, xử lý bọ gậy, tuyên truyền vận động người dân tham gia chống dịch; ngăn chặn không để dịch phát triển và lan rộng sang các địa bàn khác. Công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm tỉ lệ tử vong được các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị, giường bệnh để kịp thời nhận điều trị bệnh nhân; mở rộng đối tượng tập huấn tại các phòng cấp cứu, phòng khám đa khoa tuyến huyện. Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, cung cấp những hiểu biết về biểu hiện sớm của bệnh cho các bà mẹ và cộng đồng, điều trị kịp thời và cố gắng không để xảy ra tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, vấn đề xã hội hóa công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Phú Yên gặp rất nhiều khó khăn. Ở một số nơi, các cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo công tác này nên việc phòng chống dịch vẫn chỉ có ngành Y tế thực hiện và việc phối hợp giữa ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể còn rất hạn chế. Kinh phí của các địa phương dành cho công tác chủ động phòng chống sốt xuất huyết chưa được kịp thời và đúng mức, chỉ khi xảy ra dịch mới cấp bổ sung kinh phí.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dành riêng cho bệnh này, do đó việc phòng bệnh trở nên cấp bách và cần thiết. Bác sĩ Nguyễn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Với bệnh sốt xuất huyết, biện pháp diệt muỗi và lăng quăng là hết sức quan trọng và nếu làm triệt để thì bệnh sẽ không lan rộng. Bởi vì nếu không có muỗi và con đẻ của chúng (lăng quăng) thì chắc chắn không có bệnh sốt xuất huyết xảy ra. Và nếu đã xuất hiện bệnh sốt xuất huyết mà chúng ta tiêu diệt hết muỗi và lăng quăng thì chúng cũng hết đường truyền bệnh và bệnh không thể lây lan thành dịch. Vì tầm quan trọng đó cho nên đòi hỏi toàn dân, các ngành, các cấp cùng góp sức tham gia thực sự mới đưa đến hiệu quả cao.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết: Diệt muỗi, ngoài các biện pháp dân gian như xua, bẫy, vợt, đập để bắt, diệt và đuổi muỗi thì phun thuốc diệt muỗi là một biện pháp rất hữu hiệu, vì vậy, khi có chủ trương của các cấp, ngành nhất là cơ quan y tế cho phun thuốc diệt muỗi thì người dân hưởng ứng, ủng hộ, cùng tích cực tham gia và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ y tế thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, việc dùng hương để xua và diệt muỗi cũng đóng góp không kém phần quan trọng nhất là lúc sáng sớm và lúc chập tối vì muỗi thường hoạt động vào những giờ này. Gia đình có điều kiện nên làm lưới chắn muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ và cửa thông gió. Để diệt lăng quăng cần phải thay, rửa chum, vại và các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt. Thay nước lọ hoa hàng ngày. Có thể nuôi các loài cá có khả năng ăn được nhiều lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước sinh hoạt (chum, vại, bể chứa nước). Khơi thông cống rãnh, ao, hồ không để nước đọng. Ở các hồ, ao không sử dụng nước trong sinh hoạt có thể dùng dầu mazut rải trên mặt hồ để tiêu diệt lăng quăng. (suckhoedoisong.vn) |
VŨ HOÀNG