Chủ Nhật, 06/10/2024 21:27 CH
Đi cầu ra máu
Thứ Hai, 29/04/2013 11:11 SA

Hỏi: Em 25 tuổi, cách đây một năm có bị đi cầu ra máu, lúc đó em nghĩ là do bị bón và có điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho hợp lý. Thời gian gần đây triệu chứng như vậy xuất hiện trở lại, máu thường tươi hoặc dính theo giấy vệ sinh. Em rất ngại đi khám. Bác sĩ có thể nói giúp em bị bệnh gì, liệu em có thể bị ung thư đại tràng không? Gia đình đã từng có người bị.

 

Phạm Hoàng Hải (An Chấn, Tuy An)

 

Trả lời: Hiện tượng đi tiêu ra máu tươi là triệu chứng của một số bệnh lý vùng trực tràng - hậu môn. Đại tiện ra máu tươi đầu tiên phải kể đến là bệnh trĩ, sau đó là polip trực tràng và đại tràng (những u nhỏ, như thịt thừa mọc lên trong lòng ruột), viêm hoặc nứt kẽ ống hậu môn, viêm loét đại tràng chảy máu... Bệnh có thể lành hoặc ác tính. Tuy nhiên đối với lứa tuổi của em thì có thể bị một trong các trường hợp sau:

 

Trĩ nội với khối trĩ chưa sa ra ngoài mà biểu hiện bằng triệu chứng xuất huyết tiêu hóa. Polip trong đại - trực tràng (một dạng như khối u chưa chắc là ung thư). Theo như em nói, nếu trong gia đình đã có người bị u đại tràng thì em cần phải lưu ý vì xác suất em bị u là rất cao (Có một chứng bệnh tên là đa polyp gia đình, thường xảy ra ở người trẻ, có mang tính chất gia đình và khả năng ung thư hóa rất cao). Nếu khối u được phát hiện sớm thì nó dễ dàng được điều trị chỉ đơn giản là cắt rộng vùng bệnh thôi. Coi như bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.

 

Bị táo bón lâu ngày cũng có thể gây đi cầu ra máu. Vì khi phân rắn sẽ làm xây xát niêm mạc trực tràng, hậu môn gây chảy máu. Hơn nữa, táo bón khiến phải rặn mỗi khi đi tiêu và rặn như thế sẽ gây chảy máu do làm căng các mạch máu ở trực tràng và hậu môn. Nếu tình trạng táo bón mà chỉ do ăn uống không hợp lý gây ra thì việc điều chỉnh chế độ ăn là đủ cải thiện tình hình: món ăn có nhiều chất xơ (món ăn có nhiều rau, củ, quả, trái cây), hạn chế ăn quá mặn và quá cay; uống đủ nước; không được dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê…; không nên ngồi quá lâu một chỗ.

 

Chỉ với triệu chứng đi cầu ra máu, chưa thể chẩn đoán ngay được bệnh. Nếu không kèm theo sốt, mót rặn lúc đi cầu, có thể loại trừ các bệnh do nhiễm trùng. Để biết chính xác và có hướng điều trị kịp thời, trước mắt em có thể đi khám trĩ tại Bệnh viện Đông y hoặc đa khoa. Các bác sĩ có thể cho làm thêm một số xét nghiệm thăm dò khác như xét nghiệm máu, nội soi đại tràng, trực tràng… tùy tình huống cụ thể. Các tổn thương nghi ung thư nếu được phát hiện và chữa trị sớm thì khả năng khỏi bệnh khá cao, không nên quá lo lắng, nhưng cũng đừng chủ quan, trì hoãn không chịu đi khám bệnh để lỡ thời cơ chữa trị.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek