Thứ Tư, 27/11/2024 19:58 CH
Phương pháp bó bột Ponseti:
Giải pháp tối ưu cho trẻ bị bệnh chân khoèo bẩm sinh
Thứ Hai, 29/04/2013 11:10 SA

Mới đây, bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Quang Dũng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng (PHCN), Bệnh viện Nhi Trung ương đã về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật nắn, bó bột theo phương pháp Ponseti để điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh cho các bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Phú Yên. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bác sĩ Dũng về những tiến bộ của phương pháp này.

 

nan-chan130429.jpg

Bác sĩ Trịnh Quang Dũng hướng dẫn các y, bác sĩ Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Phú Yên cách nắn chân khoèo trước khi bó bột - Ảnh: T.THỦY

* Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về kỹ thuật Ponseti?

 

- Đây là một kỹ thuật mới do bác sĩ Ignacio Ponseti (ĐH Iowa, Hoa Kỳ) tìm ra, phát triển và ứng dụng trong điều trị bàn chân khoèo từ năm 1950. Kể từ khi phương pháp này ra đời là bước ngoặt trong sự thay đổi quan niệm để điều trị bàn chân khoèo. Phương pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới - là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh.

 

Tại Việt Nam, phương pháp này được các bệnh viện tuyến Trung ương áp dụng từ năm 2003 và đã điều trị thành công cho hàng trăm cháu bị bàn chân khoèo bẩm sinh. Kỹ thuật này là một trong những tiến bộ của chương trình PHCN, có tác dụng tương đối bền vững lâu dài, tránh hậu quả về sau.

 

* Điều kiện và cách tiến hành điều trị bàn chân khoèo theo phương pháp Ponseti như thế nào, thưa bác sĩ?

 

Bàn chân khoèo bẩm sinh là một dị tật thường gặp, chiếm tỉ lệ cao nhất so với các dị tật khác ở cơ quan vận động. Bàn chân khoèo bẩm sinh rất phổ biến trên thế giới, cứ 1.000 ca sinh ra thì có một trường hợp bị chân khoèo. Bệnh chân khoèo có thể phát hiện ngay từ khi mới sinh với biểu hiện là một hoặc cả hai chân của trẻ đều bị cong vào bên trong. Cách điều trị của phương pháp này là sau khi chẩn đoán và xác định trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh, bác sĩ thực hiện bó bột cho trẻ nhằm nắn chỉnh dáng bàn chân và chân cho bé. Phương pháp này bao gồm các lần nắn chỉnh nhẹ nhàng bàn chân em bé, rồi bó bột từ bàn chân lên đến đùi. Các lần nắn bó bột cách nhau một tuần. Các bước nắn và bó bột được lặp đi lặp lại trong 5-8 tuần để chỉnh dần dần các xương vào đúng vị trí. Để tránh tái phát bàn chân khoèo, sau khi nắn và bó bột, bé sẽ mang một đôi giày cao cổ, hở các ngón chân và gắn vào 1 thanh kim loại để giữ bàn chân xoay ra ngoài, đồng thời tập luyện thêm để PHCN.

 

Thời điểm điều trị lý tưởng là sau khi bé được sinh ra 1 hoặc 2 tuần. Ở giai đoạn này, các gân và dây chằng của bàn chân bé còn mềm dẻo nên việc điều trị sẽ rất thuận lợi.

 

* Ưu điểm của phương pháp này là gì?

 

- So với các phương pháp điều trị khác, ưu điểm của phương pháp này là không can thiệp phẫu thuật, tỉ lệ thành công cao khi trẻ được điều trị sớm (dưới 2 tuổi), kinh phí điều trị thấp. Điều trị bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti, bệnh nhân không bị đau đớn, không gây mê hoặc gây tê, vì không phải phẫu thuật nên không bị ảnh hưởng sức khỏe.

 

Cái khó của phương pháp này là thời gian mang nẹp giày kéo dài nên đòi hỏi gia đình phải hợp tác chặt chẽ với bệnh viện trong từng khâu điều trị. Có như thế, việc điều trị mới đạt được kết quả cao. Để đạt kết quả tốt nhất, trẻ nên được điều trị ngay từ khi mới sinh ra từ 2 đến 3 tuần, hoặc kéo dài không quá 18 tháng tuổi. Vì nếu không được điều trị sớm thì biến dạng bàn chân ngày càng phát triển và sẽ làm cản trở bước đi của trẻ. Khi lớn lên, trẻ sẽ khó khăn trong đi đứng, tham gia lao động. Đây cũng là nguyên nhân làm cho trẻ khó hòa nhập cộng đồng.

 

* Bác sĩ đánh giá như thế nào với điều kiện hiện nay ở Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Phú Yên khi triển khai kỹ thuật này?

 

Kỹ thuật Ponseti đã được một số tỉnh triển khai xuống các trung tâm ở cấp huyện khi điều kiện ở đó hoàn toàn có thể đảm bảo được về yêu cầu nhân lực, vật tư, trang thiết bị... Tùy theo các điểm triển khai, tỉ lệ điều trị thành công chung cả nước trên 80%.

 

Qua chuyến hỗ trợ thực tế tại Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN, tôi thấy các bác sĩ, kỹ thuật viên ở đây có kiến thức tốt; say mê học hỏi. Cùng với đó, cơ sở vật chất và phương tiện tương đối tốt, sẽ thuận lợi khi bệnh viện triển khai kỹ thuật này.

 

Thành công từ thực hiện phương pháp Ponseti trong điều trị bàn chân khoèo có ý nghĩa xã hội rất lớn: giảm gánh nặng trong gia đình trẻ khuyết tật, giảm gánh nặng xã hội; tạo khả năng tự chủ và độc lập đối với trẻ. Phú Yên đang thực hiện chương trình Phát hiện sớm - Can thiệp sớm trẻ khuyết tật nên việc triển khai phương pháp này sẽ là rất tốt. Bởi vậy, vấn đề cần thiết là người nhà khi thấy em bé bị bệnh bàn chân khoèo cần đưa tới bệnh viện sớm, đồng thời phối hợp đúng quy trình điều trị thì sẽ cho kết quả tốt.

Sắp tới, tổ chức POF (Mỹ) được giới thiệu về Phú Yên để hỗ trợ, chuyển giao thêm về phương pháp Ponseti. Với sự hợp tác chặt chẽ của tổ chức POF, các phương tiện để giúp điều trị miễn phí cho các bệnh nhân nghèo và sự hỗ trợ tốt của phương tiện truyền thông, chúng ta có thể hy vọng ngày càng có nhiều trẻ em không may mắc phải dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh sẽ được tiếp cận với phương pháp tiên tiến này.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

THU THỦY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek