Hội Y tế thôn bản Phú Yên thành lập được 2 năm. Hội giúp nâng cao năng lực nhân viên y tế trong việc cung cấp các dịch vụ truyền thông nhằm cải thiện và làm thay đổi có hiệu quả nhận thức của mọi người về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Nhân viên y tế thôn diễn kịch tương tác tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình - Ảnh: T.THỦY
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, Phó chủ tịch Hội Y tế thôn bản tỉnh, cho biết: “Nhân viên y tế thôn, buôn như một cánh tay nối dài” cho hệ thống ngành Y tế nhằm thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu đến tận người dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao, lực lượng y tế thôn, buôn trong tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Từ khi thành lập hội, các nhân viên y tế cơ sở được trang bị nhiều kiến thức và phương pháp truyền thông sáng tạo. Họ tư vấn cụ thể từng vấn đề sức khỏe, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhiều chi hội đã có khả năng ứng dụng những kỹ năng truyền thông mới từ các phương tiện máy tính, máy ảnh, máy quay phim… được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam trang bị.
Hội đã tổ chức 17 buổi truyền thông bằng phương pháp kịch tương tác cho hơn 800 người dân tại các huyện, thị xã, thành phố. Chủ đề truyền thông được lựa chọn phù hợp với vấn đề sức khỏe nổi cộm của địa phương như: vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, bạo lực gia đình… Với phương pháp sử dụng kịch kết hợp ca hò vè và có tương tác được người dân yêu thích và hưởng ứng.
Hội viên đã cùng người dân đi chụp ảnh về các chủ đề đã được người dân đưa ra theo vấn đề sức khỏe thực tế tại địa phương để khuyến khích người dân phát hiện, suy nghĩ và tự đưa ra giải pháp khắc phục. Đây là một cách truyền thông tích cực làm thay đổi nhanh hành vi, thói quen của người dân. Hội Y tế thôn bản tỉnh cùng các chi hội huyện Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, Sông Hinh thực hiện 7 buổi truyền thông bằng phương pháp ảnh biết nói. Sau buổi truyền thông, có sự thay đổi hành vi và thói quen rõ nét: Từ bán thịt sống, thịt chín để chung; thực phẩm để ngay trên nền đất thì nay người bán để riêng thịt sống, chín; nơi bán hàng thịt sạch sẽ và có sạp. Người dân thôn Long Thạch (xã Xuân Long, Đồng Xuân) đã có kế hoạch dọn dẹp, xử lý rác thải hợp lý hơn. Người dân ở huyện Tuy An và TX Sông Cầu có kế hoạch và thực hiện vệ sinh môi trường, đổ nước diệt bọ gậy và phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Những buổi truyền thông này đều được đông đảo người dân hưởng ứng. Chị Lê Thị Dung Thoa, nhân viên y tế thôn Đông Bình (xã Hòa An, Phú Hòa), cho rằng, nhờ trang bị các kỹ năng, chị tự tin hơn trong công tác tuyên truyền và thấy hiệu quả rõ rệt từ những phương pháp mới mà trước đây y tế thôn chưa được trang bị. Còn chị Lê Thị Thu Tuyết, nhân viên y tế khu phố Long Hà (thị trấn La Hai, Đồng Xuân) nói: “Truyền thông “ảnh biết nói” giúp người dân ở các địa bàn thấy được tác hại của những lối sống ảnh hưởng đến sức khỏe, qua đó sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong một thời gian ngắn, năng lực truyền thông của chúng tôi được nâng cao đáng kể”.
Đa số các bà mẹ nuôi con nhỏ ở miền núi đã tiến bộ trong nhận thức, thay đổi trong nếp sống, thói quen chăm sóc nuôi dưỡng con. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, trên cơ sở khảo sát đánh giá thực trạng các yếu tố liên quan đến suy dinh dưỡng trẻ em, hội đề ra các chiến lược phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dựa vào cộng đồng. Qua đó, năng lực cán bộ chương trình, nhất là nhân viên y tế thôn, buôn được nâng cao rõ rệt. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các huyện miền núi giảm từ 2-2,5% mỗi năm.
Nhằm khuyến khích người dân tham gia truyền thông thay đổi hành vi, hội còn tổ chức hướng dẫn người dân tham gia kịch và tham vấn người dân tự định hướng giải pháp giải quyết vấn đề như suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe người khuyết tật. Hội còn cung cấp dịch vụ đến đối tượng người cao tuổi trong những buổi sinh hoạt. Các nhân viên y tế thôn đã hướng dẫn người cao tuổi tập dưỡng sinh, đo huyết áp và hướng dẫn sử dụng dinh dưỡng hợp lý. Hội còn giúp những người khuyết tật, động viên họ vượt qua số phận, hòa nhập cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Y tế thôn bản tỉnh, cho rằng: Sự ra đời của Hội Y tế thôn bản là một trong những giải pháp tích cực để nâng cao năng lực cho y tế thôn bản. Hội phát triển dựa trên nền tảng quan hệ gắn bó của các thành viên và cộng đồng, luôn học tập và phát triển, đổi mới và sáng tạo... góp phần đáng kể trong phát hiện và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 9 chi hội, 112 phân hội và hơn 90% y tế thôn tham gia vào hội. Sắp tới, hội sẽ tiếp tục xây dựng năng lực cho hội viên. Hội cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, lãnh đạo ngành Y tế để tổ chức này phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình.
THU THỦY - THIỆN MỸ