Tăng huyết áp (THA) là bệnh nguy hiểm và mọi người đều biết ăn mặn gây THA. Tuy nhiên, có không ít người hiểu chưa đúng về cách giảm ăn muối để phòng tránh căn bệnh này.
Muối cho vào thực phẩm với lượng vượt mức là nguyên nhân gây tăng huyết áp - Ảnh: T.THỦY
TAI HỌA TỪ MUỐI
Muốn cứu sống hàng triệu người mỗi năm phải đưa muối vào diện kiểm soát đặc biệt, các nhà nghiên cứu tuyên bố tại Hội nghị Dinh dưỡng Rio 2012.
“Muối - khi được cho vào thực phẩm, là nguyên nhân chính gây THA, và THA là nguyên nhân gây thiệt mạng cho hàng triệu người trên toàn thế giới”, Giáo sư Graham MacGregor của Đại học Queen Mary (Anh) khẳng định. Bằng chứng về tác hại của muối cũng nhiều tương đương với hút thuốc lá, ông cho biết.
Muối, tức sodium chloride, là chất có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe con người: chúng ta cần khoảng 350 milligram sodium (tương đương với khối lượng của nửa quả nho khô) mỗi ngày để khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều không may là đa số chúng ta lại tiêu thụ trung bình nhiều gấp 10 lần định mức đó.
Phần lớn lượng sodium vào cơ thể là từ thực phẩm chế biến sẵn nhưng người dùng không nhận ra. Một túi khoai tây chiên là thủ phạm hiển nhiên khi chứa tới hơn 250 milligram sodium. Tương tự là một lát bánh mì mua ngoài tiệm hay một bát ngũ cốc ăn sáng. Thủ phạm nặng hơn là rau củ đóng hộp, súp đóng hộp và bữa tối đông lạnh, tất cả đều chứa khoảng 1000 milligram sodium. Tuy nhiên, tệ nhất là các bữa ăn ngoài hàng: cụ thể là fast food (thức ăn nhanh) có thể chứa tới 2.000 milligram sodium cho mỗi bữa.
Việc tiết giảm muối có thể giúp 1,25 triệu người thoát khỏi nguy cơ tử vong vì đột quỵ và gần 3 triệu người khác mất mạng vì các bệnh liên quan đến tim mạch hàng năm, một nghiên cứu trên tạp chí British Medical Journal năm 2009 cho biết.
Giáo sư MacGregor khuyến cáo rằng, người dùng cần nhận thức được nguy cơ từ muối, loại gia vị mà họ vẫn sử dụng hàng ngày. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các biện pháp vận động, thậm chí là quy định để ngành công nghiệp thực phẩm phải hạn chế dùng muối trong lúc chế biến.
Mặc dù vậy, các diễn giả tại Rio2012 cũng thừa nhận, trở ngại lớn là bản thân các hãng thực phẩm đều rất chuộng muối. Chúng làm cho món ăn trở nên ngon miệng hơn, khiến người dùng khát nước hơn và nhờ đó sẽ bán kèm được đồ uống. Bản thân người dùng cũng đã bị “hư miệng” nên từ bỏ hẳn muối là rất khó.
CÁCH GIẢM LƯỢNG MUỐI
Giảm ăn mặn bằng cách thêm nước vào món canh: Giảm ăn mặn hay nói chính xác là giảm lượng muối đưa vào cơ thể chứ không phải là giảm khẩu vị mặn. Do đó, để giảm lượng muối đưa vào cơ thể thì cần giảm lượng gia vị mặn nêm vào món ăn.
Cơ thể chúng ta cần ăn một lượng muối nhất định: Thức ăn tự nhiên đã hiện diện một lượng muối nhất định và chúng ta hoàn toàn có thể sống được nếu không ăn thêm lượng muối nào. Nếu xét nhu cầu muối theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới hiện nay là 5g/người/ngày thì người dân chúng ta tiêu thụ gấp 4 - 5 lần mức này.
Nếu không sử dụng gia vị mặn sẽ giúp giảm lượng muối đưa vào cơ thể: Muối hiện diện rõ ràng trong các gia vị mặn và cần giảm sử dụng bao gồm muối, nước mắm, nước tương, mắm tôm, mắm ruốc, chao... Tuy nhiên muối còn hiện diện trong nhiều thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn như thịt heo quay, lạp xưởng, thịt xông khói, xúc xích, bánh mì, bánh ngọt... Do đó, chúng ta cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn mà ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi sống hằng ngày.
Ăn mặn chỉ gây bệnh THA và đột quỵ: Ngoài việc gây tăng các bệnh trên, ăn mặn còn làm thải canxi ra đường tiểu dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương.
Nhiều người ăn mặn vẫn không mắc bệnh: Nhiều người ăn mặn nhưng lao động nặng đổ mồ hôi nhiều, chất natri bị mất qua đường mồ hôi nên giảm nguy cơ mắc bệnh. Nếu các đối tượng lao động văn phòng, bàn giấy, máy lạnh ít đổ mồ hôi mà ăn nhiều muối sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh THA.
Ngoài ra để giảm bớt lượng muối đưa vào cơ thể cần thực hiện các biện pháp sau đây: Không dùng hết nước dùng của các món nước như phở, hủ tiếu... để giảm lượng muối đưa vào cơ thể; pha loãng các loại nước chấm tại bàn (nước mắm, nước tương...) và khi chấm nên nhẹ tay để giảm lượng nước chấm ngấm vào thực phẩm; hạn chế chấm muối khi ăn trái cây.
VŨ HOÀNG
(Tổng hợp theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống THA)