Số người mắc tiểu đường tại Việt Nam hiện có thể lên đến gần 5 triệu, vượt xa so với dự đoán đến năm 2030 là 3 triệu. Một nửa số này không hề biết mình có bệnh và chỉ đến viện khi đã có biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tiểu đường không thể chữa nhưng có thể ổn định bằng chế độ ăn hợp lý, luyện tập thường xuyên, uống thuốc đủ- Ảnh chỉ có tính minh họa. |
Theo công bố của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới vào năm 2011, Việt
Trong số này, nhiều trường hợp bệnh đang diễn tiến âm thầm, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Thực tế, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì 6 người đã có biến chứng. Ngay các bệnh nhân đã được chẩn đoán cũng chưa điều trị đúng mức.
Chia sẻ bên lề lễ khai mạc Làng thay đổi bệnh đái tháo đường tại Hà Nội, giáo sư Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, đa số bệnh nhân đều không đạt được mục tiêu điều trị.
Theo bà, với bệnh nhân tiểu đường việc điều chỉnh chế độ ăn là một trong những mục tiêu quan trọng. Một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại hết sức khó khăn.
Theo phó giáo sư Khuê, khẩu phần ăn của bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo chất bột đường chiếm 50-60%. Nên chọn loại đường hấp thụ chậm, nhiều xơ như gạo lứt, chất đạm chiếm 15%, khoảng 1 gr tính trên mỗi kg cân nặng một ngày, mỡ động vật ít dưới 7%.
Bên cạnh đó, hiện nay một số người bệnh chưa hiểu đúng về việc ăn chay khi bị tiểu đường. Có người cho rằng, người bệnh chỉ ăn chay, ăn quá nhiều tinh bột thì không tốt. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, nếu ăn chay mà vẫn đảm bảo tỉ lệ như trên thì không vấn đề gì. Ngược lại, nhiều người lại nghĩ ăn chay là để chữa bệnh cũng không đúng. Ăn chay không phải là thuốc nên chắc chắn không thể dùng ăn chay để thay thuốc chữa bệnh. Nhiều nhà sư ăn chay nhưng vẫn có người bị tiểu đường.
Ngoài ra, khi ăn chay người bệnh có nguy thiếu một số vi chất cần thiết như sắt, kẽm, vitamin B12, vitamin D, canxi… Vì thế, có thể khắc phục bằng nhóm thực phẩm chay có trứng sữa, ăn chay linh hoạt, ăn chay bán phần hoặc uống bổ sung vitamin và khoáng chất.
“Người bệnh cần tính toán để có một chế độ ăn hợp lý, cái gì quá cũng là không tốt. Như trái cây rất tốt nhưng cũng chỉ ăn vừa đủ, không ăn quá nhiều, vì như thế một lượng đường fructose đáng kể trong trái cây biến thành mỡ. Như thế lại thành ra có hại”, phó giáo sư Khuê phân tích.
Nhiều nguời bệnh đang chịu ảnh hưởng nhiều của quảng cáo, gây hiện tượng nhiễu thông tin. "Họ nghĩ ăn cái này, uống cái kia thì có thể khỏi được bệnh, trong khi đó đây là bệnh chỉ có thể ổn định được. Ăn uống đúng cách, luyện tập thường xuyên, uống thuốc đầy đủ thì đường ổn định, biến chứng sẽ rất ít xảy ra. Ngược lại nếu bắt đầu thờ ơ điều trị, ăn ẩu trở lại, ít vận động, người tăng cân trở lại, hậu quả kéo theo là biến chứng", phó giáo sư Khuê cho biết.
Các bác sĩ khuyến cáo hậu quả của bệnh tiểu đường rất nặng nề, là thủ phạm của nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi... Vì thế, nếu đang ở giai đoạn cửa sổ hay tiền đái tháo đường thì người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát tốt để không tiến triển thành bệnh. Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán bệnh (đường huyết lúc đói 5,6-7 mmol/l). Nếu không can thiệp 33% bệnh nhân tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành bệnh.
Trường hợp đã mắc bệnh thì cần tuân thủ đúng hướng dẫn. Với tiểu đường tuýp 2, việc chữa trị thời gian đầu gồm: giảm cân, ăn kiêng và tập thể dục. Khi những phương pháp trên không thể kiểm soát được sự tăng đường huyết nữa, bệnh nhân sẽ được uống thuốc. Nếu thuốc vẫn không đáp ứng tốt, phương pháp trị liệu với insulin và loại thuốc tiêm khác sẽ được xem xét tới.
Người có các biểu hiện như: thường xuyên khát, uống nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, nhanh đói dù ăn nhiều, sụt cân, người mệt mỏi, thị lực giảm, đau bụng… thì cần nghĩ đến bệnh tiểu đường, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Vnexpress