Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) thường song hành cùng nhau vì chúng có cùng những yếu tố nguy cơ như: thừa cân hoặc béo phì; chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều muối, đường; lười vận động.
Kiểm tra huyết áp định kỳ để theo dõi bệnh - Ảnh: T.THỦY
THA là một yếu tố làm tăng mức độ nặng của ĐTĐ, ngược lại ĐTĐ cũng làm cho THA trở nên khó điều trị hơn. Người ta thấy rằng tỉ lệ THA ở người ĐTĐ cao gấp 2 lần so với người không bị ĐTĐ. Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 (cơ thể ngừng sản xuất insulin hoặc sản xuất quá ít không đủ để điều hòa lượng đường trong máu), THA thường là hậu quả của biến chứng thận. Còn ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 (cơ thể có khả năng sản xuất insulin được nhưng mất một phần hoặc hoàn toàn khả năng sử dụng insulin này), THA có thể xuất hiện trước khi bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ hoặc được phát hiện đồng thời với ĐTĐ trong bệnh cảnh của hội chứng chuyển hóa. Hội chứng này là một nhóm những biểu hiện bất thường về lâm sàng và xét nghiệm bao gồm: THA, béo bụng (chu vi vòng eo ≥ 90cm ở nam và ≥ 80cm ở nữ), rối loạn chuyển hóa lipid (tăng triglycerid, giảm HDL-C), rối loạn dung nạp glucose. Theo một nghiên cứu của Mỹ, có khoảng 65% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có THA. Dù người bệnh ĐTĐ ở týp 1 hay týp 2, nhưng khi có THA đều làm cho tiên lượng bệnh xấu đi rõ rệt: tỉ lệ bệnh lý mạch vành và đột quỵ tăng gấp 2- 3 lần so với người không bị ĐTĐ. THA và ĐTĐ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch máu lớn và nhỏ: bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, tắc mạch chi, bệnh võng mạc mắt, bệnh thận, bệnh lý thần kinh. Việc làm giảm huyết áp sẽ giúp giảm các nguy cơ trên nên được coi là một mục tiêu quan trọng ở bệnh nhân ĐTĐ có THA (song song với điều chỉnh đường huyết tích cực và làm giảm cholesterol máu). Đã có tác giả cho rằng việc kiểm soát tốt huyết áp thậm chí còn quan trọng hơn cả kiểm soát đường máu.
Trong nhiều trường hợp THA, bệnh nhân thường không có triệu chứng nên dễ bị bỏ qua nếu không được đo huyết áp kiểm tra. Tuy nhiên, một số trường hợp THA có thể thấy các triệu chứng: đau đầu, nhìn mờ, đau bụng hoặc đau ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn. Chính vì các triệu chứng thường không rõ ràng và không đặc hiệu như vậy nên những bệnh nhân ĐTĐ cần được kiểm tra huyết áp định kỳ mỗi khi thăm khám tại chuyên khoa ĐTĐ để kịp thời phát hiện và điều trị THA
TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN THA
- Chẩn đoán THA khi: huyết áp tối đa ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tối thiểu ≥90mmHg.
- Trong một số trường hợp bệnh nhân cần được đo huyết áp 24 giờ bằng holter huyết áp để loại trừ THA áo choàng trắng. Đây là THA do tâm lý bệnh nhân khi đi khám bệnh. Ngoài ra việc đo huyết áp 24 giờ còn giúp chẩn đoán THA dao động và giúp đánh giá hiệu quả điều trị một cách chính xác.
TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN ĐTĐ
ĐTĐ được chẩn đoán khi có 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:
- Đường huyết lúc đói ≥ 7,0mmol/l (126mg/dl), được lấy 2 lần (đường huyết lúc đói là đường huyết khi đo ở thời điểm nhịn đói ít nhất 8 giờ).
- Đường huyết ≥ 11,1mmol/l (200mg/dl) ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết bằng đường uống 75g glucose.
- Có các triệu chứng của ĐTĐ như: khát nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân không có lý do và kết quả xét nghiệm đường máu ở thời điểm bất kỳ ≥ 11,1mmol/l (200mg/dl).
Cách đo huyết áp: thường đo ở tư thế ngồi, tay đặt lên mặt bàn ở mức ngang tim. Bệnh nhân được nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo; không dùng các chất kích thích (rượu, chè, cà phê, thuốc lá) trước đó một giờ. Không nhỏ thuốc mắt, mũi có hoạt chất kích thích giao cảm. Huyết áp tâm thu là khi nghe tiếng đập đầu tiên. Huyết áp tâm trương là khi mất hẳn tiếng đập. Đo tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 phút. Huyết áp bệnh nhân sẽ là giá trị trung bình của 2 lần đo.
QUỐC HỘI
(tổng hợp theo Chương trình Mục tiêu quốc gia Phòng, chống THA)