Cho tới thời điểm này, cả nước đã có hàng chục tỉnh, thành và nhiều bệnh viện tuyến trung ương áp dụng thực hiện khung giá viện phí mới. Tuy nhiên, đánh giá mới nhất của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ Y tế, cho thấy chất lượng dịch vụ y tế người bệnh được thụ hưởng trở lại vẫn chưa tương xứng, thậm chí tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm với người bệnh vẫn diễn ra phức tạp…
Qua kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng tại nhiều bệnh viện áp dụng giá viện phí mới cho thấy, chất lượng dịch vụ y tế chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu người bệnh cũng như chưa tương xứng với giá viện phí mới. Tại bệnh viện tuyến trung ương đã chi hàng chục tỉ đồng để sửa chữa khoa khám bệnh, đầu tư thêm trang thiết bị của phòng bệnh để phục vụ người bệnh tốt hơn, nhưng thực tế quá tải vẫn diễn ra. BHXH Việt Nam cho biết, phần lớn địa phương phê duyệt mức viện phí mới dưới mức 80% khung giá tối đa. Các bệnh viện trung ương, mức giá trung bình của viện phí mới khoảng 95% mức giá trần. Đáng lo ngại hơn, một số tỉnh vẫn chưa làm đúng quy định khi đưa ra mức giá khám bệnh kịch trần.
Theo đó, mức thu tối đa chỉ được tính khi phòng bệnh có điều hòa và số lượng khám 35 bệnh nhân/bàn/ngày nhưng nhiều bệnh viện mỗi bàn khám từ 70- 80 bệnh nhân/ngày, chưa có điều hòa cũng vẫn áp giá tối đa. Thậm chí, để hợp lý hóa việc thu lợi từ người bệnh qua việc điều chỉnh viện phí, không ít địa phương đẩy giá những dịch vụ kỹ thuật y tế có tần suất sử dụng nhiều lên cao, còn dịch vụ ít khi dùng giá rất thấp. Vì vậy, khi cộng vào chia trung bình thì tỉ lệ tăng giá viện phí chung rất thấp, địa phương không bị mang tiếng là áp giá cao, nhưng thực ra bệnh viện vẫn thu lợi nhiều. Trong khi đó, bệnh nhân và bảo hiểm y tế thiệt hại nhiều nhất.
Không chỉ có vậy, tình trạng lạm dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp không cần thiết vẫn nhiều. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh sử dụng máy móc thiết bị được trang bị từ nguồn vốn xã hội hóa quá mức so với tình trạng bệnh lý của người bệnh, kê sai số lượng và đơn giá thuốc. Thậm chí có bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân, nhưng 20% thành phần được kê trong đơn không phải là thuốc mà chỉ là các thuốc bổ hỗ trợ hay thực phẩm chức năng... nhằm ăn chia “hoa hồng” với trình dược viên và các nhà sản xuất thực phẩm chức năng.
(SGGPO)