Mỗi năm trên thế giới có 2,5 triệu người chết do bệnh nhồi máu cơ tim (NMCT), trong đó 25% chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Béo phì, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, tăng huyết áp (THA), đái tháo đường, gia đình có người mắc bệnh tim mạch trước tuổi 60 là những yếu tố nguy cơ của NMCT. Trong đó, THA làm tăng nguy cơ bị NMCT lên đến 1,5 lần.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp để kiểm soát các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp - Ảnh: Q.HỘI
NHỮNG DẤU HIỆU NGHI NGỜ NHỒI MÁU CƠ TIM
Biểu hiện thường gặp là đau ngực trái dữ dội, kéo dài 15-30 phút. Đau có khi kèm vả mồ hôi và khó thở, mệt nhiều, không dám vận động nặng vì gia tăng cơn đau. Đau có thể lan ra cánh tay cẳng tay trái đến ngón út và áp út bàn tay trái, hoặc có thể lan sau lưng hoặc hàm dưới trái. Ở những người đã có tiền sử bệnh thiếu máu cơ tim, đau ngực dữ dội không giảm sau khi sử dụng nitroglycerine hoặc isosrbide dinitrate (Risordane) ngậm dưới lưỡi, cần tham vấn bác sĩ ngay. Đối với những người trên 40 tuổi, có tiểu đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì mà trước đây chưa được chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim (thiểu năng vành) khi triệu chứng đau vẫn tiếp tục cần đến các cơ sở y tế ngay để bác sĩ giúp tìm nguyên nhân đau ngực có phải do NMCT hay không. Trong quá trình đến cơ sở y tế cần di chuyển bằng các phương tiện an toàn (xe cấp cứu hoặc taxi), tránh vận động gắng sức trong quá trình di chuyển.
Một số người bị NMCT có thể chỉ biểu hiện bằng khó thở nhẹ hay mệt khi vận động mà không đau ngực, do đó có thể NMCT sẽ bị bỏ sót. Cho nên trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn có thể gặp những trường hợp chỉ than mệt trước đó vài giờ, sau đó đột nhiên tử vong làm cho gia đình nạn nhân rất hoang mang.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng NMCT là “hết đời”, là “sống cũng như chết”… NMCT ngày nay không còn là tuyệt vọng nữa. Tiến bộ y học đã cung cấp nhiều kỹ thuật cứu sống người bệnh. Các biện pháp điều trị hiện đại đã đưa những người bị NMCT từ cõi chết trở về như nong và đặt stent động mạch vành, phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành, sử dụng tế bào gốc… Tuy nhiên, những biện pháp điều trị lâu dài và thực hiện tích cực lối sống lành mạnh là nền tảng cơ bản trong phòng ngừa và điều trị NMCT.
LỜI KHUYÊN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ BỊ NHỒI MÁU CƠ TIM
Người bị NMCT sẽ kiểm tra tim mạch trước khi xuất viện như xét nghiệm men tim, thực hiện nghiệm pháp gắng sức để đánh giá khả năng gắng sức, qua đó bác sĩ sẽ khuyên người bệnh được phép gắng sức đến mức nào trong sinh hoạt.
Về hoạt động nghề nghiệp, gần như tất cả những người bị NMCT mà không có biến chứng gì đều có thể tiếp tục nghề cũ của mình. Trừ thời gian nằm viện (1-2 tuần), thì người bệnh chỉ cần nghỉ ở nhà 2-3 tuần là đủ. Nghỉ lâu quá không có lợi, vì người yếu thêm, lại hay lo nghĩ, rồi lại mất thói quen nghề nghiệp, đi làm lại khó khăn hơn. Những người lao động trí óc dùng ít năng lượng, tim đỡ tốn sức, nên có thể trở lại với công việc sớm. Người làm công việc văn phòng như máy tính, kế toán, thư ký, lập kế hoạch, thủ quỹ… có thể trở lại tiếp tục công việc sớm, nhưng tránh hoặc giảm bớt các cuộc chiêu đãi, tiệc tùng, hút thuốc lá, uống rượu, ăn đặc sản và thức khuya.
Lao động chân tay (bốc vác hàng nặng, leo núi đi bộ xa, lên thang gác nhiều, đẩy xe nặng), nếu bệnh nhẹ thì có thể trở lại công việc sau 1 tháng, nhưng nếu việc vất vả nặng nhọc quá thì phải nghỉ lâu hơn hoặc phải đổi sang nghề khác tốn ít sức hơn, phù hợp với khả năng của tim sau khi bị bệnh.
Ngay khi còn nằm trên giường bệnh, người bị NMCT nên cử động chân tay nhẹ nhàng, trở mình; và từ ngày thứ 2-3 không ai còn bắt bệnh nhân “tuyệt đối nằm im” như những bài học cũ trước kia. Sau đó tập đi bộ tăng dần cho đến khi ra viện thì có thể đi lại trong nhà, ngoài sân, mới đầu đi đường bằng, sau đó dần dần lên vài bậc hoặc leo dốc nhẹ. Mùa đông nên tập nhẹ hơn mùa hè, tốt nhất là có máy tập (chạy, đạp xe...), nên tránh tập tạ, lặn dưới nước...
Về tâm lý, người vừa khỏi bệnh không nên quá sợ hãi (sợ tái phát, sợ mất việc...), quá lo lắng làm khó ngủ; không nên nghe theo lời mách của những người không có chuyên môn, kể cả những bệnh nhân NMCT cũ... Uống thuốc theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa đúng loại, đủ liều lượng và lâu dài. Kiểm soát huyết áp tốt làm giảm tới 25% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Cần cảnh giác với những cơn đau ngực và các dấu hiệu khác vì tổn thương mạch vành có thể xảy ra ở những nhánh động mạch khác một khi nguy cơ của nó không được khắc phục (THA, đái tháo đường, tăng mỡ trong máu...)
QUỐC HỘI
(Tổng hợp theo Chương trình
Mục tiêu quốc gia phòng chống THA)