Phản xạ nhai của trẻ hình thành từ 6-8 tháng tuổi nên nếu đã 2-3 tuổi mà vẫn phải ăn cháo xay nhuyễn thì vô tình sẽ làm mất phản xạ nhai.
Mỗi độ tuổi sẽ có giờ giấc ăn uống nhất định. Tùy loại thức ăn mà khoảng cách giờ ăn cho trẻ cũng khác nhau.
Không ép ăn nhiều
Bữa ăn đầu tiên trong ngày của một trẻ đã lớn nên bắt đầu sau khi thức dậy khoảng 30 phút, có thể là một bữa ăn đặc (cơm, cháo, bún) hay ly sữa.
Bữa kế tiếp sau đó khoảng 2-3 giờ và nên đổi món. Ví dụ, sáng cho trẻ ăn cháo thì ăn giữa giờ buổi sáng là sữa, rồi trưa ăn cơm, ngủ trưa dậy cho uống sữa, bữa tối ăn cơm và trước khi ngủ phải uống sữa trở lại.
Thể tích dạ dày trẻ cũng nhỏ như số tuổi của trẻ. Vì thế, trẻ ăn ít hơn người lớn và phải chia nhỏ bữa ăn thành 6 đến 8 bữa mỗi ngày mới đạt đủ số lượng cần thiết. Nếu ép trẻ ăn quá nhiều so với bao tử của mình, trẻ sẽ tự động nôn ra. Do đó, cần cho trẻ ăn no để “nới bao tử” nhưng cũng phải chừng mực. Mặt khác, nếu trẻ ăn quá ít thì đôi khi phải cho ăn thêm ngay một loại thức ăn khác như bánh flan, sữa chua hoặc uống thêm một ít sữa để no bụng.
Hãy biết kiên nhẫn và dùng “chiến lược” chia bữa ăn thành nhiều lần khác nhau trong ngày sẽ giúp rút ngắn thời gian cho ăn mà trẻ cũng dễ tiêu hóa, ăn ngon miệng hơn.
Cho ăn phù hợp độ tuổi
Quan niệm cho rằng nên kéo dài thời gian ăn bột, cháo xay nhuyễn hoặc cho ăn cơm sớm để cứng cáp... đều sai lầm vì không những khiến trẻ biếng ăn mà còn dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe sau này.
Trẻ ở độ tuổi nào thì chỉ và sẽ có khả năng tiêu hóa được thức ăn phù hợp với độ tuổi của mình. Phản xạ nhai hình thành từ khi trẻ 6-8 tháng tuổi nên không có lý do gì để dạ dày lại chỉ thích ứng với kiểu nuốt chửng đến tận khi 2 tuổi. Do đó, nếu dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn cháo kéo dài đến 2-3 tuổi vô tình đã làm mất phản xạ nhai ở trẻ, khiến việc tiêu hóa kém và gây chứng biếng ăn.
Hơn nữa sau này, do trẻ đã quen nuốt cháo xay, khi muốn tập cho ăn thức ăn lợn cợn hay ăn cơm thì sẽ gặp khó khăn. Lúc này, vừa khó cho trẻ ăn cơm mà trẻ cũng đã chán cháo, muốn quay lại với cháo thô ắt phải tái diễn cảnh ép ăn. Hơn nữa, cháo thì không thể nhiều năng lượng như cơm và có thể làm cho trẻ chậm tăng cân.
Tương tự, khi chưa đủ răng để nhai, trẻ không thể tiêu hóa thức ăn thô thì việc cho ăn cơm sớm cũng phí công vì chất dinh dưỡng không hấp thu vào trong cơ thể. Thức ăn không tiêu hóa, nằm trong ruột làm trẻ no, không uống đủ sữa, nôn ói, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn kéo dài... Vì thế, khi trẻ đã đủ răng nhai (khoảng 2 tuổi thì mọc đủ răng hàm với 20 răng sữa), cần tập cho ăn thức ăn lợn cợn để tập nhai dần. Khi nhai, nước bọt và dịch vị tiết ra, giúp trẻ thấy ngon miệng.
Hạn chế cho trẻ ăn vặt
Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ có thể uống sữa. Từ 6-7 tháng, trẻ uống sữa là chủ yếu, nên tập cho ăn giặm ít bột rồi tăng dần. Từ 8-12 tháng, trẻ có thể ăn bột, cháo, trái cây tươi và uống sữa. Từ 12-24 tháng, trẻ tập ăn thêm bún, phở… Trên 24 tháng, trẻ cần được ăn cơm, nhất là khi đủ 20 răng sữa. Phụ huynh cần lưu ý không cho trẻ ăn vặt, đặc biệt là các loại thức ăn ngọt như bánh kẹo, nước ngọt để “chừa bụng” đến bữa ăn trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn. Đồ ngọt sẽ làm trẻ “no ngang” và ăn không đủ trong bữa ăn chính gần kề.
Theo NLĐ