Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 1/7/2009, đánh dấu bước phát triển và hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) sau nhiều năm xây dựng và phát triển cơ chế tài chính y tế thông qua BHYT. Mục tiêu bao trùm của luật là hướng tới bao phủ toàn dân, bảo đảm mọi người đều được khám chữa bệnh một cách công bằng và hiệu quả.
Bệnh nhân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: N.TRƯỜNG
Hoạt động BHYT của Việt Nam được vận hành theo cơ chế BHYT xã hội dựa trên khả năng đóng góp và chia sẻ nguy cơ của các nhóm dân cư: Người khỏe hỗ trợ người ốm yếu, người trẻ hỗ trợ người già, nhóm có thu nhập ổn định hỗ trợ cho nhóm có thu nhập không ổn định và người giàu hỗ trợ cho người nghèo. Theo lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2014 mọi người dân đều phải có trách nhiệm tham gia BHYT theo luật định, nhưng sẽ không dễ dàng để đẩy nhanh tiến độ bao phủ 100% dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2014. Ông Nghiêm Trần Dũng, Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng: Mặc dù có luật nhưng các nước đã và đang thực hiện BHYT xã hội đều có những khó khăn, thách thức trong việc mở rộng phạm vi bao phủ BHYT tới các nhóm đối tượng, nhất là các nhóm lao động phi chính quy. Trong số hơn 60 nước thực hiên cơ chế tài chính y tế qua BHYT mới chỉ có 30 nước thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân, nhưng cũng không phải thực hiện BHYT toàn dân ngay sau khi có luật định, mà phải mất một khoảng thời gian khá dài, thậm chí là nhiều thập kỷ (Đức thời gian đạt được BHYT toàn dân phải mất 127 năm, Bỉ 118 năm, Nhật 36 năm, Hàn Quốc 26 năm, Thái Lan 27 năm...)
Ở Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2012, cả nước có hơn 57 triệu người tham gia BHYT, tương đương 65% tổng số dân, trong đó số người tham gia BHYT bắt buộc là hơn 10 triệu người, tham gia BHYT tự nguyện là hơn 47 triệu người. Trong số này, nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng như nhóm đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi đạt trên 80%, nhóm đối tượng học sinh đạt tỉ lệ từ 80-90%, nhóm đối tượng cận nghèo mới chỉ đạt trên 25%, nhóm sinh viên khoảng 50%. Nhóm tham gia tự nguyện phải đóng 100% theo mức quy định, bao gồm nông dân, người lao động trong các hợp tác xã, làng nghề mới chỉ đạt khoảng 26%. Như vậy, trên thực tế còn khoảng trên 74% người thuộc đối tượng cận nghèo, gần 49% lao động trong các doanh nghiệp và khoảng 74% nông dân, lao động tự do và một số đối tượng khác chưa tham gia BHYT. Theo quy định của Luật BHYT, người cận nghèo khi tham gia BHYT được hỗ trợ tối thiểu 70% mức phí đóng BHYT (trước năm 2012, chỉ có 50%). Tuy nhiên, trên thực tế, số người cận nghèo tham gia BHYT còn rất thấp. Đây chính là thách thức khi thực hiện BHYT toàn dân.
Mặc dù luật quy định mọi người dân phải tham gia BHYT, nhưng trong luật không có chế tài xử lý để bắt buộc mọi người phải tham gia BHYT. Thêm vào đó, việc hỗ trợ tài chính cũng như cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không thực hiện được, nếu như không xác định được chính xác kịp thời các đối tượng thuộc diện nào. Bên cạnh đó, khi số người tham gia BHYT tăng lên, cơ sở khám chữa bệnh phải đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh. Nếu mức chi trả của quỹ khám chữa bệnh bằng BHYT đủ để bù đắp chi phí của cơ sở khám chữa bệnh, nó sẽ khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh trong việc cung cấp dịch vụ có chất lượng, tránh sự phân biệt đối xử với người có thẻ BHYT.
Song thực tế hiện nay, người dân vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Cơ sở vật chất của mạng lưới dịch vụ y tế ở vùng sâu, vùng xa Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng còn thiếu thốn. Chất lượng dịch vụ y tế thấp, điều kiện đi lại khó khăn, khu dân cư xa cơ sở y tế, thu nhập thấp không có điều kiện đi lại, ăn ở trong thời gian điều trị bệnh tại tuyến tỉnh, thậm chí nhiều trường hợp bỏ điều trị giữa chừng. Nhiều bệnh nhân cần có dịch vụ xét nghiệm chất lượng cao ở tuyến trên mới có thể phát hiện các bệnh tật sớm, thì họ lại không được hưởng lợi.
Để từng bước tiến tới độ bao phủ BHYT toàn dân, BHYT Việt Nam cho rằng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT chính là giải pháp cốt lõi trong việc vận động người dân tham gia BHYT, đặc biệt là những đối tượng tham gia BHYT tự nguyện và đối tượng được Nhà nước hỗ trợ. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương cần can thiệp và tác động mạnh hơn nữa để lộ trình BHYT toàn dân từng bước được thực hiện.
QUỐC HỘI
(Trung tâm TTGDSK Phú Yên)