Ngày 6/7, trước các vụ tai biến sản khoa vẫn dồn dập xảy ra tại nhiều tỉnh thành, Bộ Y tế tiếp tục có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về vấn đề này.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết, tính từ ngày 20/4 cho tới 29/6, qua thông tin trên báo chí và hồ sơ cơ quan chức năng ghi nhận 22 trường hợp tai biến sản khoa gây tử vong cho mẹ và con. Trong đó, đáng chú ý có tới 18 trường hợp mẹ bị tử vong. Các trường hợp xảy ra tại cả bệnh viện nhà nước và tư nhân. Trong đó tại tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 4 vụ, TP.HCM 3 vụ; Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Nai, Cà Mau mỗi địa phương xảy ra 1 - 2 ca.
Theo ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, tai biến sản khoa luôn gây bức xúc dư luận nhiều hơn so với các bệnh nội khoa, ngoại khoa. Nguyên nhân chính dẫn đến các tai biến do là tính chất diễn biến nhanh, xảy ra bất thường, khó dự đoán. Tuy nhiên quan điểm của Bộ Y tế là không bao che, xử lý nghiêm nếu có sai phạm, cũng như không đổ hết cho các nguyên nhân khách quan. Đối với bất kỳ trường hợp tai biến nào xảy ra đều phải nghiêm túc xem xét các nguyên nhân từ tổ chức, bố trí, nhân lực đến việc tuân thủ quy trình chuyên môn, quy chế bệnh viện. Các phần chuyên môn cũng được xem xét chi tiết, từ đó làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để xem xét, xử lý nghiêm.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng phân tích, khó khăn là việc xác định nguyên nhân tử vong sản phụ, sơ sinh phải căn cứ vào kết luận của pháp y qua mổ tử thi nhưng thực tế nhiều trường hợp gia đình sản phụ không đồng ý cho mổ tử thi nên việc xác định nguyên nhân tử vong chỉ có thể dựa vào kết luận của Hội đồng chuyên môn bệnh viện và của Sở Y tế.
Cũng liên quan tới vấn đề này, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh thành phố trong cả nước về công tác dự phòng các tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế triển khai rà soát, chấn chỉnh hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt chú trọng công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật về thực hành cấp cứu sản khoa, cấp cứu sơ sinh, tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế các tuyến, giúp phát hiện sớm, xử lí kịp thời, đúng kỹ thuật để cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc thai nghén.
Cùng với đó, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế trên địa bàn về việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật, cấp cứu sản khoa. Tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở y tế tư nhân, xử lý nghiêm các trường hợp và cơ sở vi phạm. Khi xảy ra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh cần phải tổ chức kiểm thảo tử vong theo đúng quy chế bệnh viện, làm rõ nguyên nhân tử vong, xác định trách nhiệm của cá nhân và tập thể.
Đồng thời lưu ý việc trao đổi giải thích kịp thời, đầy đủ với thân nhân gia đình các sản phụ gặp tai biến hoặc tử vong, cung cấp đầy đủ thông tin trên công luận. Báo cáo quá trình và kết quả giải quyết về UBND tỉnh thành và Bộ Y tế.
Theo SGGPO