Cua đồng không chỉ là thực phẩm dân dã quen thuộc đối với người Việt
Canh riêu cua.
Y học cổ truyền dùng cua đồng chữa ứ huyết khi bị chấn thương bầm dập. Y học hiện đại xác nhận, trong cua đồng có nhiều calci phosphat nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương.
Theo đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương; dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục. Điểm đáng lưu ý là không dùng cua đồng có mắt đỏ, có lông ở bụng, có chấm ở lưng và có khoang ở chân. Không được uống nước cua sống vì có thể chứa ấu trùng sán lá.
Trong y học cổ truyền, cua đồng được dùng như sau:
- Chữa trẻ nhỏ còi xương, chậm biết đi: Cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, rang nhỏ lửa cho vàng và khô, tán bột. Dùng 15 g - 20 g khuấy với bột gạo, cho trẻ ăn trong ngày. Kết hợp cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng 15 phút, 2-3 lần/tuần.
- Chữa vết thương đụng dập, lở loét: Cua đồng 2 con giã nát, rượu 1 chén, cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống, bã đắp vào chỗ đau.
- Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: Rau nhút 1 - 2 nắm bỏ rễ, cạo bỏ phần bấc, ngắt đoạn, rửa sạch; khoai sọ 300 g - 400 g cạo vỏ, xắt nhỏ; cua đồng 200 g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, gạn lấy nước. Cho khoai sọ vào nước cua nấu chín, khi gần chín, cho rau nhút vào, đun sôi tiếp 5 - 10 phút. Ăn trong ngày, dùng 2 - 3 ngày.
- Giải nhiệt mùa hè trị lở ngứa: Cua đồng 200 g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; mướp hương 1 - 2 trái cạo vỏ, rửa sạch, cắt miếng; rau đay và mồng tơi tươi mỗi thứ 100 g rửa sạch, cắt đoạn. Đun sôi nước cua và cho các loại rau vào, đến khi mướp chín là được.
- Trị viêm thận cấp: Cua đồng 250 g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; vỏ cây dâu 50 g rửa sạch, cắt đoạn. Đem tất cả nấu thành canh, uống nước.
- Trị trướng bụng, chứng phù tim: Cua đồng tươi nấu cháo, ăn nóng.
- Chữa sưng tấy: Mai cua 10 g sao vàng, vảy tê tê 10 g sao phồng rộp; gai bồ kết 10 g phơi sấy khô. Tất cả tán bột, uống với rượu.
Những người đang bị ho hen, cảm cúm không được ăn cua. Một số người dễ bị dị ứng với cua, sau khi ăn nổi mề đay khắp người xử trí bằng bài thuốc sau: Nam hoàng bá 16g, tía tô 12g, ngân hoa 10g, liên kiều 10g, kinh giới 12g, sài hồ 12g, đinh lăng 16g, cành châu 16g, cam thảo đất 16g, cỏ mần trầu 12g, cát căn 16g, rau má 16g, bạch thược 12g, chi tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần. Tác dụng: chống dị ứng, giải độc, trừ tà.
- Đau răng đau lợi do vị nhiệt: Cua đồng nấu với mướp đắng, ăn hàng ngày. Đồng thời dùng bài thuốc: Hoàng cầm10g, chi tử 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, đinh lăng 16g, bồ công anh 16g, chân cua đồng (sao vàng) 20g, cam thảo 10g, bạch thược 12g, bạch mao căn 16g, khổ qua 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
- Càng cua đồng rang muối ớt: Càng cua đồng rửa sạch, luộc sơ với nước sôi rồi vớt ra để ráo nước. Bắc chảo lên bếp (không cần dầu mỡ), bỏ càng cua vào chảo và rắc muối ớt vào (tùy càng cua ít nhiều mà rắc muối cho vừa ăn). Rang khô cho đến khi càng cua chín vàng, giòn là được. Sắp càng cua ra đĩa, bên cạnh có đĩa rau răm, ngò gai bốc mùi thơm lừng. Càng cua cay cay, mằn mặn, chấm với muối tiêu chanh thì ngon tuyệt.
Theo Nông nghiệp Việt Nam