Hỏi: Em nghe nói các bạn nữ ở tuổi dậy thì dễ mắc một căn bệnh gọi là “is-te-ri”, hay bệnh giả vờ, phải được một bác sĩ nam khám mới hết được. Thực sự có bệnh “kỳ lạ” vậy không, thưa bác sĩ?
Phan Thị Thu Hiền
(xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa)
Trả lời: Đúng là có bệnh hysteria (“is-te-ri”). Tuy nhiên đến nay người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân, nhưng có thể nhận ra những yếu tố khiến dễ mắc bệnh. Đó là những người có tính cách “màu mè”, đóng kịch, kiểu cách và tính dễ bị ám thị (dễ bị ảnh hưởng của lời nói); người sống trong môi trường dễ bị stress, tâm lý, xã hội như: chiến tranh, tang gia, kinh tế khó khăn…; người đang sống chung với những trường hợp mắc phải một chứng tâm lý. Có trường hợp hysteria tập thể, lan truyền người này sang người khác: ngất xỉu, chết giấc, liệt người…. Qua cơn, mọi người trở lại như không có gì.
Chứng bệnh này thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên và cũng có ở tuổi lớn hơn. Đa số gặp ở nữ giới, nhưng bệnh cũng không “chừa” nam giới.
Không nên coi người bệnh hysteria là giả vờ. Người bệnh mặc dù không muốn và đã kiềm chế nhưng vẫn xảy ra. Cơn hysteria thường gặp gồm: cơn co giật, co cứng sau một chấn thương tâm lý. Bệnh nhân giãy giụa la hét nhưng ý thức vẫn tỉnh táo và vẫn nhận biết được xung quanh, thích được mọi người chú ý. Cơn rối loạn cảm xúc: kêu khóc, nói không chuẩn, gào thét không rõ lý do, nhưng ý thức người bệnh không bị rối loạn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có ảo giác (thường là ảo thị - bệnh nhân nhìn thấy những hiện tượng không có từ bên ngoài...). Bệnh nhân rất dễ bị ám thị và tự ám thị (nhận thức không đúng về sự vật, hiện tượng xảy ra). Có thể họ gặp rối loạn vận động như run, co giật, liệt chức năng; rối loạn cảm giác, mất hoặc tăng cảm giác. Cảm giác nội tạng cũng bị rối loạn như đau bụng, đau ngực, đau vùng tim...
Tiên lượng của bệnh tùy thuộc nhiều yếu tố: mức độ các rối loạn; quan hệ bệnh nhân - gia đình; quan hệ bệnh nhân - thầy thuốc. Điều trị bệnh này chủ yếu là tâm lý trị liệu, rất ít khi cần dùng thuốc. Trước tiên cần cách ly người bệnh khỏi môi trường gây stress; việc cách ly cũng giúp tránh tác động dây chuyền lên người khác như trong một tập thể (lớp học, công xưởng…). Trấn an người bệnh bằng lời ngọt ngào, đủ sức thuyết phục là cơn sẽ qua mau chóng. Lời nói là phương thuốc hiệu nghiệm trong chữa trị hysteria do phong cách của người bệnh hysteria là rất dễ bị tác động (ám thị) của lời nói. Bác sĩ khác giới cũng là một ám thị, nhưng còn phụ thuộc tâm lý của người bệnh.
BS ĐOÀN VĂN HẢI