Thứ Bảy, 30/11/2024 01:43 SA
Phòng, chống ngộ độc, tiêu chảy mùa hè
Thứ Hai, 21/05/2012 11:00 SA

Thời tiết nắng, nóng là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh. Đây là nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc thức ăn, bệnh tiêu chảy cấp.

 

thuc-an-2120521.jpg

Người dân có thói quen ăn uống tại vỉa hè, dễ bị ngộ độc ,tiêu chảy do thực phẩm nhiễm khuẩn từ bụi, rác... - Ảnh: M.TUẤN

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHo) mỗi năm Việt nam có khoảng 2 triệu lượt người bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em do mất nước, điện giải và suy dinh dưỡng.

Dù mới đầu mùa hè, nhưng cả nước đã ghi nhận 10 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm 972 người mắc, trong đó có 726 người phải nhập viện điều trị và đã có bốn người chết. Ðó là cảnh báo của Bộ Y tế với các ngành, các cấp và người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh.

Tại Phú Yên, theo thống kê từ các bệnh viện trong tỉnh, số trẻ nhập viện do tiêu chảy gần đây tăng lên. Còn với ngộ độc thực phẩm, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tuy Phú Yên chưa có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể hay cá nhân ngộ độc nặng phải nhập viện điều trị, nhưng mỗi người, mỗi hộ gia đình cần phải cảnh giác. Chi cục đã tham mưu Sở Y tế tỉnh gửi công văn về các địa phương yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát. Cái chính vẫn là cá nhân tự hiểu biết và phòng tránh ngộ độc, tiêu chảy trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Tiêu chảy hay ngộ độc dễ xảy ra trong các gia đình nếu thức ăn không được bảo quản đúng cách”.

Cũng theo ông Tâm, trước tiên, các địa phương cần quản lý tốt các loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Với lợi thế rẻ, tiện lợi nhưng thức ăn chủ yếu được bày bán trên vỉa hè, sát đường giao thông nên việc các loại thực phẩm bị nhiễm bụi, nấm, khí thải… là điều không tránh khỏi. Nếu theo quy định của ngành Y tế, các hộ kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn: đủ nước sạch; có dụng cụ gắp thức ăn; không để lẫn thức ăn chín và sống; cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn về kiến thức và khám sức khỏe định kỳ..., nhưng hiện nay phần lớn hàng quán bán thức ăn đường phố đều vi phạm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy là tình trạng bệnh lý gây nên khi con người ăn phải thực phẩm không sạch, mà nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, ký sinh trùng hay độc tố của chính thực phẩm, cũng có khi do chất độc còn tồn đọng lại từ quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm gây nên. Trên thực tế, người có thói quen ăn gỏi cá, các loại thịt tái, các phủ tạng động vật, trứng “tái” cũng dễ bị ngộ độc. Các bác sĩ cũng cho rằng, một nguyên nhân khác dẫn đến ngộ độc thực phẩm là tình trạng thực phẩm để lâu mà điều kiện bảo quản không bảo đảm vô khuẩn. Nhiều người lầm tưởng rằng thức ăn đã được bảo quản trong tủ lạnh là an toàn nên có thể yên tâm để thức ăn dự trữ hoặc thậm chí để thức ăn đã dùng quá lâu trong tủ lạnh.

 

Bác sĩ Huỳnh Văn Dũng, Bệnh xá Tỉnh đội Phú Yên, cho rằng: Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm rất đa dạng, nhưng chủ yếu là những triệu chứng của đường tiêu hóa sớm nhất sau ăn là đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng. Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân lại không có biểu hiện về tiêu hóa (không nôn, không đi ngoài..), song lại thể hiện ở mức độ nặng hơn như: loạn nhịp tim, co giật, liệt cơ khi nguyên nhân không phải là nhiễm khuẩn mà là nhiễm các độc tố.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe, các tác nhân gây ngộ độc, tiêu chảy có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín, uống sôi, không nên ăn thức ăn đã ôi thiu, để lâu ngày trong tủ lạnh; hạn chế ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh; đảm bảo rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Những người đi du lịch là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh, vì vậy phải đặc biệt chú ý giữ gìn vệ sinh, nếu có những dấu hiệu của bệnh cần phải bù nước hay đến cơ sở y tế, không được tự ý dùng các thuốc chống tiêu chảy vì sẽ càng khó khăn cho công tác điều trị nếu phải nhập viện.

Việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè phải đưa lên hàng đầu, trước tiên phải là ý thức của cá nhân. Thực tế lâu nay trên các phương tiện truyền thông đã tuyên truyền, giáo dục rất nhiều về vấn đề này nhưng nhiều người vẫn còn chủ quan, thờ ơ với những hàng quán ngay bên cạnh cống rãnh, bãi rác, mất vệ sinh. Chính việc coi thường này đã gây nên nhiều ca ngộ độc thực phẩm. Mọi người cần tẩy chay với những thực phẩm không an toàn, hàng quán mất vệ sinh, như vậy sẽ giúp giảm số vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là đối với công tác hậu kiểm, nhằm xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng, cũng như tiến hành xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm.

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek