Các bệnh này rất khó phát hiện do dấu hiệu nhận biết mờ nhạt, ít được cha mẹ chú ý, nhưng lại vô cùng nguy hiểm, gây giảm thị lực, thậm chí mù vĩnh viễn.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cảnh báo, một số bệnh mắt bẩm sinh có thể ảnh hưởng lớn đến thị lực của trẻ là quặm bẩm sinh, glaucoma bẩm sinh, đục thể thủy tinh bẩm sinh.
5 ngày tuổi đã bị quặm mắt
Tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Mắt Hà Nội, các bác sĩ đã hướng dẫn người nhà cháu N.T.L., ở Đan Phượng, Hà Nội, cách tra thuốc mắt và vuốt mi cho con. Theo lời bà M., bà ngoại của cháu, cháu mới sinh được 5 ngày tuổi, nhưng từ khi sinh ra luôn bị chảy nước mắt, mắt hay đóng dử dù gia đình lau mặt và làm vệ sinh cho cháu rất đầy đủ, sạch sẽ. Các bác sĩ xác định cháu L. bị quặm bẩm sinh. Nếu sau một thời gian, bệnh không khỏi, có thể cháu L. sẽ phải phẫu thuật nhưng phải đợi đến khi cháu ngoài 1 tuổi.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, quặm bẩm sinh là hiện tượng bờ mi lộn vào trong đẩy hàng lông mi cọ sát vào giác mạc, gặp ở trẻ em từ khi mới sinh ra, có thể phát triển ngày càng nặng thêm nếu không được điều trị. Bệnh hay gặp ở những trẻ có khuôn mặt bụ bẫm, gốc mũi thấp, tẹt. Do hàng lông mi cọ sát vào giác mạc làm trẻ khó chịu luôn luôn dụi mắt.
Mắt kích thích gây chảy nước mắt, đỏ mắt, nếu kéo dài có thể gây viêm kết mạc. Nếu không được điều trị, lông mi làm tổn thương giác mạc, gây trợt giác mạc. Nếu bệnh tiến triển nặng và kéo dài có thể gây viêm loét giác mạc để lại sẹo làm giảm thị lực, trong những trường hợp nặng có thể dẫn đến mờ vĩnh viễn thậm chí mù lòa. Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như hay dụi mắt, chảy nước mắt cần đưa trẻ đến các cơ sở nhãn khoa để được khám và điều trị.
Mắc bệnh người già
Khi nhắc đến bệnh đục thủy tinh thể (ĐTTT), hầu hết đều nghĩ đó là bệnh hay gặp của người già. Tuy nhiên, số liệu tại nhiều bệnh viện mắt cho thấy, khá nhiều trẻ nhỏ vừa sinh ra đã mắc ĐTTT bẩm sinh. Nếu phát hiện và điều trị muộn, khi lớn lên, dù được thay TTT, thị lực của trẻ cũng rất kém. Thực tế, nhiều trường hợp ĐTTT bẩm sinh ở trẻ em đã bị bỏ qua, chỉ được phát hiện một cách tình cờ nên việc khôi phục thị lực cho trẻ kém hiệu quả. Khi bị ĐTTT bẩm sinh, thị lực của trẻ sẽ giảm.
Trẻ thường quờ quạng, nếu lớn hơn có thể đo thị lực để xác định mức độ mờ mắt. Thị lực giảm tỉ lệ thuận với mức độ ĐTTT. Trẻ cũng có thể bị lóa mắt vì ĐTTT bắt đầu thường gây lóa mắt, gây khó chịu cho người bệnh. Hoặc mắt trẻ nhìn gần tốt hơn so với trước đó do mắt bị ĐTTT ban đầu có xu hướng cận thị hóa, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lác mắt.
Bệnh sợ ánh sáng
Ngoài ra, còn một bệnh dù có tần suất xuất hiện thấp nhưng là một bệnh nặng, dễ dẫn đến mù lòa nếu trẻ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đó là bệnh glaucoma bẩm sinh, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, có tính di truyền. Triệu chứng nhận biết bệnh, là ngay khi trẻ chào đời mắt trẻ to hơn bình thường. Khi giác mạc tiếp tục giãn lồi, sẽ xuất hiện nếp gấp, dần dần giác mạc bị phù và đục. Phù giác mạc kèm theo hiện tượng sợ ánh sáng, chảy nước mắt và phù đục giác mạc.
Tuy nhiên, phù đục giác mạc là giai đoạn muộn của bệnh, khó có thể phục hồi được thị lực. Hiện nay, đã có phương pháp phẫu thuật được thực hiện thành công giúp mắt trẻ ít bị kích thích và phục hồi nhanh. Nhưng điều quan trọng nhất là cha mẹ cần quan sát, theo dõi những bất thường ở mắt của trẻ, đến bệnh viện chuyên khoa sớm để được điều trị, phẫu thuật, tránh những biến chứng xấu cho thị lực của trẻ.
Theo HPGĐ