Những năm gần đây, các cơ sở sản xuất, dịch vụ kinh doanh thực phẩm ở Phú Yên ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là vấn đề bức xúc của mọi người.
Kiểm tra việc lưu mẫu thức ăn tại một nhà trẻ tư nhân ở TX Sông Cầu - Ảnh: T.THỦY
THỰC TRẠNG ĐÁNG LO NGẠI
ATVSTP liên quan tới tất cả các khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm. Từng khâu của “dây chuyền thực phẩm” đều đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ. Ô nhiễm thực phẩm dẫn tới ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và tổn thất cho nền kinh tế.
Theo khảo sát của Chi cục ATVSTP Phú Yên trong năm 2011, vẫn còn nhiều người sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nắm kỹ kiến thức về ATVSTP hoặc biết nhưng không tuân thủ theo quy định. Quy mô trồng trợt ở Phú Yên còn manh mún, nhỏ lẻ, cá thể các hộ gia đình canh tác còn lạc hậu, thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Vì thế, quá trình trồng trọt, kỹ thuật canh tác, cách sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cũng như phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thực phẩm chưa kiểm soát được. Tất cả các loại rau như rau cải, rau muống, đậu đỗ, dưa chuột, cà chua… đều phun hóa chất bảo vệ thực vật hoặc vượt giới hạn cho phép không được kiểm soát. Việc chăn nuôi ở các hộ gia đình chưa được kiểm soát nguồn thức ăn, thuốc tăng trọng còn phổ biến. Các cơ sở giết mổ nằm trong các khu dân cư; trong các chợ là phổ biến. Ô nhiễm vi sinh vật chưa kiểm soát được. Tình trạng chứa tạp chất và dư lượng kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm thủy sản vẫn còn khá phổ biến, ảnh hưởng tới xuất khẩu và tiêu dùng.
Tình trạng vi phạm điều kiện ATVSTP đối với dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố còn phổ biến. Cùng với đó, tình trạng sử dụng hàn the, phẩm màu và chất bảo quản độc hại vẫn còn tràn lan. Việc sản xuất rượu truyền thống, rượu thuốc, rượu dân tộc...; các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước khoáng đang có xu hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát.
NHỮNG GIẢI PHÁP KHẢ QUAN
ATVSTP đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người. Bảo đảm chất lượng ATVSTP chỉ có thể thực hiện tốt nếu có những biện pháp phù hợp, đồng bộ và quyết tâm thực hiện từ người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh, đến các hội khoa học kỹ thuật, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả người tiêu dùng.
Để công tác bảo đảm ATVSTP đi vào thực chất, có hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, trong thời gian tới Phú Yên cần hình thành hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về ATVSTP các cấp đủ năng lực quản lý, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và hội nhập; bổ sung nhân lực cho Chi cục ATVSTP, thành lập các trung tâm ATVSTP tại tuyến huyện, thị xã, thành phố; củng cố Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tại huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn.
Ban chỉ đạo ATVSTP các cấp kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, bức xúc trong lĩnh vực ATVSTP của từng địa phương; tăng cường công tác xã hội hóa về chất lượng ATVSTP trong các hoạt động bằng hình thức huy động mọi lực lượng cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, cụ thể: Sở Y tế là đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ và toàn diện công tác đảm bảo ATVSTP; nâng cao kiến thức, thực hành ATVSTP và ý thức trách nhiệm của các nhóm đối tượng liên quan để tạo ra môi trường thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh; đào tạo cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành cho các tuyến để có nghiệp vụ triển khai đúng quy định của pháp luật.
UBND các cấp từng bước kiểm soát được ATVSTP thức ăn đường phố, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm; gắn công tác đảm bảo ATVSTP thức ăn đường phố với phong trào xây dựng đời sống văn hóa sức khỏe; đặc biệt tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm nằm trong 10 nhóm nguy cơ cao; cương quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Bác sĩ NguyễnVănTâm
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP