Hỏi: Năm nay tôi 19 tuổi, lúc nhỏ bị bệnh viêm cầu thận đã điều trị khỏi, hiện sức khỏe vẫn tốt. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi có biểu hiện phù nhẹ, xét nghiệm nước tiểu có protein, bác sĩ chẩn đoán là viêm cầu thận mạn, không cho thuốc điều trị gì. Bệnh viêm cầu thận mạn là gì, có thể điều trị được không?
NGUYỄN THANH SƠN
(xã An Nghiệp, huyện Tuy An)
Trả lời: Viêm cầu thận mạn là một bệnh có tổn thương tiểu cầu thận (một đơn vị cấu trúc nhỏ nhất của thận, có chức năng lọc các chất thải từ máu vào nước tiểu) tiến triển từ từ kéo dài nhiều năm. Triệu chứng chủ yếu của bệnh gồm: phù, protein niệu, hồng cầu niệu, cao huyết áp nhưng cũng có thể chỉ có hồng cầu niệu, protein niệu. Cuối cùng bệnh thường dẫn đến suy chức năng thận.
Bệnh thường xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi lao động, khá phổ biến trong cộng đồng. Nguyên nhân có nhiều như: do viêm cầu thận cấp (10-20%); bệnh thận hư; do các bệnh miễn dịch như Lupus ban đỏ, bệnh dạng thấp; đái tháo đường và rất nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
Ở giai đoạn đầu, bệnh ít có biểu hiện bên ngoài, chủ yếu được chẩn đoán bằng các kết quả bất thường khi xét nghiệm nước tiểu: Protein niệu (đạm niệu) từ 2-3g/24h; nước tiểu có nhiều hồng cầu, nhiều cặn lắng gồm các thể không tan gọi là trụ niệu. Các triệu chứng khác có thể nặng nhẹ tùy giai đoạn bệnh:
- Phù biểu hiện rõ ở hai chân, ấn vào để lại vết lõm, có khi chỉ nặng ở mí mắt. Nếu có hội chứng thận hư thì phù to toàn thân có thể tràn dịch màng bụng, màng phổi.
- Cao huyết áp: ở giai đoạn chưa có suy thận hoặc suy thận nhẹ thì ít bị cao huyết áp. Khi suy thận giai đoạn III, IV thì trên 80% bệnh nhân có cao huyết áp.
- Thiếu máu: Thường gặp khi có suy thận, suy thận càng nặng thì thiếu máu càng nặng.
- Khi đã có suy thận rõ sẽ có các triệu chứng của suy thận như: nôn, tiêu chảy, xuất huyết, rối loạn nhịp thở, các biểu hiện khác ở tim, thần kinh.
- Ở giai đoạn cuối, thận teo nhỏ (thể hiện trên phim X quang hoặc siêu âm)
Điều trị viêm cầu thận mạn, mục đích chính là điều trị bảo tồn, phòng các yếu tố nguy cơ dẫn đến sự tiến triển nhanh của bệnh, là vấn đề hết sức quan trọng trong quá trình kéo dài cuộc sống của người bệnh. Đối với bệnh có nguyên nhân, điều trị bệnh nguyên nhân. Chế độ ăn cần hạn chế muối, khi có biểu hiện tăng urê máu, cao huyết áp, cần ăn ít chất đạm.
Bệnh viêm cầu thận cấp do nhiễm trùng nếu không được điều trị sớm và tích cực, dễ tiến triển đến viêm cầu thận mạn, do đó việc phát hiện sớm và phòng ngừa các nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp, giải quyết tốt các bệnh nhiễm trùng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng bệnh.
BS ĐOÀN VĂN HẢI