Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong chương trình phòng chống HIV/AIDS, tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng dưới 0,3%o, đạt mục tiêu quốc gia đề ra. Số người nhiễm mới hàng năm đều giảm, số người có HIV được điều trị bằng các thuốc kháng virus tăng lên, tình trạng phân biệt đối xử với người có HIV ở cộng đồng dân cư đã giảm đi rõ rệt, điều đó giúp cho những người có HIV hòa nhập với cộng đồng tốt hơn, họ có điều kiện lao động sản xuất tạo nên thu nhập cho gia đình, của cải cho xã hội, quan trọng hơn họ có cuộc sống hữu ích, khỏe mạnh hơn, tuổi thọ kéo dài hơn.
Người nhiễm HIV cần sự chia sẻ của cộng đồng để hòa nhập - Ảnh: T.THỦY
Cách đây vài chục năm khi biết có một người bị nhiễm HIV thì hầu như cả cộng đồng luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, không dám đến gần, thậm chí cả người thân cũng không muốn tiếp xúc. Do đó, người bị nhiễm HIV sống trong nỗi cô đơn, buồn chán, phập phồng lo sợ chính trong cộng đồng của mình. Từ đó họ chán chường, mặc cảm, không chịu uống thuốc, tự cách ly, có những hành vi tiêu cực… dần dần suy kiệt và ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo. Nhưng gần đây, khi người dân đã hiểu biết nhiều hơn về HIV/AIDS thì những người có HIV không còn bị xa lánh như trước đây nữa. Họ tham gia lao động, sinh hoạt cộng đồng như người bình thường, con cái, gia đình của những người có HIV vẫn chung sống hòa đồng với nhau và thực tế cho thấy nhờ đó người có HIV sống khỏe mạnh, yêu đời hơn, sống có ý nghĩ hơn và thực sự có ích cho gia đình và xã hội.
Trong lễ phát động Tháng Hành động phòng chống HIV/AIDS năm 2011 vừa được Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua với thông điệp thực hiện ba không: Không có người nhiễm HIV mới; Không có bệnh nhân tử vong vì HIV/AIDS; Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV. Điều đó cho thấy nhận thức của người dân trên phạm vi toàn cầu nói chung, Việt Nam ta nói riêng đã có chuyển biến rõ rệt. Đây là thành công của hoạt động truyền thông.
Chúng tôi muốn đề cập sâu đến hiệu quả của “Không phân biệt đối xử với người có HIV”. Dựa trên cơ sở sinh lý bệnh nói chung, bệnh HIV/AIDS nói riêng, cho thấy: bệnh chỉ xảy ra khi có tác nhân gây bệnh, tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, và tác nhân gây bệnh đánh bại hệ thống bảo vệ của cơ thể (gồm tế bào miễn dịch và kháng thể của cơ thể). Đối với người bị nhiễm HIV thì thời gian từ khi bị nhiễm cho đến khi chuyển thành bệnh AIDS dài ngắn tùy thuộc vào từng người (tùy vào khả năng chống đỡ của hệ thống miễn dịch trong cơ thể). Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu chống HIV, nhưng đã có các biện pháp làm chậm sự nhân lên của virus HIV, từ đó làm chậm quá trình chuyển thành AIDS. Ở Việt Nam có những người chung sống với HIV hơn 10 năm, thậm chí 20 năm vẫn khỏe mạnh bình thường. Hiện nay, các thuốc kháng virus (ARV) đã được sử dụng rộng rãi cho những người bị nhiễm HIV và các thuốc này được cấp miễn phí tại các trung tâm phòng chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố (theo sự chỉ định của bác sĩ).
Xét trên bình diện tâm lý cho thấy, yếu tố tâm lý đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự tiến triển của bệnh tật nói chung, HIV/AIDS nói riêng. Tâm lý có 3 chức năng cơ bản đó là: chức năng định hướng cho hoạt động (vui thì làm tốt, buồn thì làm không tốt); chức năng thứ hai tâm lý là nguồn khuyến khích, động viên, giúp đỡ cho con người vượt qua khó khăn bệnh tật và cuối cùng tâm lý có chức năng kiểm soát và điều hành các hoạt động. Các nhà tâm lý học đã chứng minh, trong trạng thái thoải mái, vui tươi sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch, tăng cường tiết ra các hóa chất trung gian hướng thần kinh, tăng cường chuyển hóa và do đó làm cơ thể khỏe mạnh hơn (một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ). Hơn nữa, tâm lý người có bản chất tự nhiên là hoạt động của thần kinh nội tiết và mang bản chất xã hội. Tâm lý người được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ xã hội và giao tiếp. Vì vậy, để cho người có HIV có tâm lý thoải mái đòi hỏi họ phải được giao tiếp tốt trong xã hội. Việc tạo cho người có HIV giao tiếp với cộng đồng xã hội thì cộng đồng phải tạo điều kiện cho họ giao tiếp bằng cách, giúp cho người có HIV không bị mặc cảm, cô lập… mà điều đó chỉ có được khi mọi người dân trong cộng đồng không phân biệt đối xử, kỳ thị với người có HIV.
Vì vậy, để giúp những người bị HIV có cuộc sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn bên cạnh sự nổ lực của bản thân họ (rèn luyện, sử dụng thuốc đều đặn, có hành vi sức khỏe tốt…) thì mỗi người dân mỗi cộng đồng dân cư không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV. Có thể nói không phân biệt đối xử là liều thuốc tốt nhất kéo dài tuổi thọ cho người có HIV/AIDS.
BS Nguyễn Vinh Quang
GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên