Thứ Bảy, 05/10/2024 04:17 SA
Phòng bệnh tay - chân - miệng
Thứ Sáu, 08/07/2011 07:00 SA

Tính đến tháng 6/2011, Việt Nam có hơn 5.500 trường hợp mắc tay - chân - miệng, trong đó gần 20 trường hợp tử vong, điều đáng lo là dịch đang có xu hướng lan rộng. Ở Phú Yên, tuy chưa xảy ra dịch lớn, nhưng từ đầu năm đến nay đã có hàng chục trường hợp bệnh nhân bị tay - chân - miệng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Nếu chúng ta không cảnh giác đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch thì nguy cơ dịch lan rộng là khó tránh khỏi.

 

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ bệnh ho, hắt hơi. Thời gian ủ bệnh 3-6 ngày, bệnh nhi có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39-40oC; đau họng, chảy nước mũi liên tục; chán ăn hoặc bỏ ăn; khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường; tổn thương ở da chủ yếu nằm ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối mông.

 

Các tổn thương ở miệng đa số là những vết loét đỏ (do các bọng nước vỡ ra), đường kính 2-3mm ở vòm họng, niêm mạc má, lợi răng, lưỡi. Các thương tổn ở da thường là bọng nước, có đường kính 2-10mm, hình bầu dục, hoặc hơi tròn, nổi cộm hay ẩn dưới da trên nền hồng ban, khi bọng nước khô để lại vết thâm da.   

 

Nếu không được chăm sóc tốt, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi gây suy hô hấp và trụy tim mạch

 

Bệnh tay - chân - miệng cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Vì vậy khi nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh tay - chân - miệng phải theo dõi sát, phát hiện sớm các triệu chứng của biến chứng để cho trẻ nhập viện.

 

Phòng ngừa biến chứng khi trẻ bị tay - chân - miệng phải theo dõi sát, có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối pha loãng, nghỉ ngơi, sử dụng vitamin C, vitamin PP,
vitamin A, nếu sốt trên 38,5oC thì cho uống thuốc hạ nhiệt. Theo dõi các dấu hiệu nặng khi có một trong các triệu chứng sau: sốt cao trên 39oC, giật mình liên tục, run chi, chới với, quấy khóc, co giật thì người nhà cần đưa bé vào bệnh viện ngay.

 

Phòng ngừa sự lây lan của bệnh bằng các biện pháp như: Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn. Cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Nếu trong các lớp học có học sinh bị tay - chân - miệng nên cho trẻ bệnh ở nhà để chăm sóc, thường xuyên làm vệ sinh lớp học, môi trường xung quanh…

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek