Thứ Bảy, 05/10/2024 04:17 SA
Bệnh giun đầu gai
Thứ Hai, 04/07/2011 10:00 SA

Hỏi: Tôi thường hay bị nổi mẩn ngứa khắp mình, vừa rồi đi xét nghiệm, phát hiện bị nhiễm giun đầu gai. Bác sĩ cho uống thuốc xổ trong 3 tuần, bệnh có đỡ nhưng vẫn còn ngứa. Đó là loại giun gì, có thể chữa dứt hẳn không?

Nguyễn Thành Tín

(xã An Mỹ, huyện Tuy An)

 

Trả lời: Bệnh giun đầu gai ở người do loại giun tròn tên Gnathostoma spinigerum gây nên. Giun đầu gai gây bệnh chủ yếu ở các loài thú ăn thịt gồm chó, mèo, hổ, sư tử, báo, chồn…

Ở động vật, giun trưởng thành có kích thước khoảng 1-3cm, đầu có 4-8 móc nhỏ bám vào thành dạ dày để sống và đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài. Nếu gặp nước, trứng phát triển thành ấu trùng giai đoạn 1, ấu trùng này được nuốt bởi các loài giáp xác Cyclops và phát triển thành ấu trùng giai đoạn 2. Khi cá, ếch, lươn nuốt các con giáp xác này, ấu trùng phát triển thành ấu trùng giai đoạn 3 trong mô các động vật này.

 

Nếu các vật nuôi như chó, mèo, heo ăn cá, ếch, lươn… nhiễm ấu trùng giai đoạn 3 này, ấu trùng sẽ đến cư trú và phát triển thành giun trưởng thành.

 

Người bị nhiễm khi ăn các món ăn chế biến sống hoặc chưa chín kỹ từ cá, ếch, lươn bị nhiễm ấu trùng giai đoạn 3. Ấu trùng giai đoạn 3 sẽ chui qua thành dạ dày đến gan làm viêm gan, nhưng cũng có thể đi lạc đến nhiều nơi khác như xoang bụng, phổi, não, mắt, da. Ấu trùng không thể trưởng thành ở cơ thể người nhưng có thể tồn tại nhiều tuần đến nhiều năm và gây các bệnh cảnh khác nhau tùy vị trí cư trú: ở gan gây sốt, gan to; ở bụng gây bướu giả, viêm màng bụng; ở mắt gây viêm mống mắt, viêm võng mạc làm giảm thị lực, có thể mù; ở não gây liệt, giảm cảm giác; ở da gây phù, khối u di động. Bệnh kéo dài nhiều năm và phát triển từng đợt.

 

Ở Việt Nam, bệnh ngày càng được phát hiện nhiều ở các vùng có kiểu ăn các món sống như gỏi cá, gỏi lươn, cá nướng trui (chưa chín đủ), mắm cá lóc thái…

 

Gần đây, các xét nghiệm ELISA chẩn đoán giun đầu gai được thực hiện rộng rãi ở nhiều phòng thí nghiệm, kết quả dương tính chiếm tỉ lệ không nhỏ. Do đó chẩn đoán bệnh phải hết sức thận trọng, tránh hoang mang cho người bệnh. Hiện Bộ Y tế chưa có phác đồ chẩn đoán đối với bệnh.

 

Điều trị bệnh bằng thuốc xổ giun Albendazol (biệt dược phổ biến là Zentel) ngày 2 viên trong 7-21 ngày (chưa có phác đồ chuẩn), kết hợp các thuốc điều trị triệu chứng khác.

 

BS Đoàn Văn Hải

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phòng bệnh mùa hè ởngười cao tuổi
Thứ Hai, 04/07/2011 08:11 SA
Thuốc từ quả vải
Chủ Nhật, 03/07/2011 16:00 CH
Bác Thái đã đi xa
Thứ Tư, 29/06/2011 09:10 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek