Thứ Bảy, 05/10/2024 06:24 SA
Bác Thái đã đi xa
Thứ Tư, 29/06/2011 09:10 SA

Như một lẽ tự nhiên, bà con lao động có thói quen gọi các bác sĩ là “bác”. Cách gọi tắt này thể hiện sự tôn vinh và tôn kính đối với những thầy thuốc đã chọn nghiệp cứu người và trọn đời dốc trọn lòng với y đức.

 

bt110629.jpg

Thầy thuốc ưu tú Phạm Đình Thái

Với thầy thuốc ưu tú Phạm Đình Thái, một bác sĩ từ lòng dân ra đi, trải dài hai cuộc chiến tranh và những năm gian khổ nhất của thời kỳ xây dựng hòa bình, hầu như đại bộ phận bà con lao động Phú Yên đều gần gũi và quý trọng bác Thái bởi lẽ giản đơn nhiều người đều có cơ duyên tao ngộ ông, nếu không là bản thân thì cũng vì người thân, bởi lẽ thường của cuộc đời ai cũng phải đến bệnh viện, cụ thể là Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Bắc Phú Khánh trước tháng 8/1989 và nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.

 

Ông vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 83, còn lỗi hẹn với cuộc đời và con cháu bởi sinh thời là một thầy thuốc, ông luôn khuyên mọi người phải gìn giữ sức khỏe và tuyên bố rất dõng dạc: “Phải lên được chức “cố” (ông cố) và ít ra phải giữ chức “cố” được một “nhiệm kỳ” (5 năm) rồi mới dung dung lên đường sum họp với tổ tiên”.

 

Tử biệt sinh ly là điều khó nói trước, dù là với một thầy thuốc ưu tú. Dù chưa lên được chức “cố”, ông cũng đã hưởng số tuổi vượt ngưỡng “bát tuần thượng thọ”, tiếc là không thọ lâu hơn để đồng hành cùng con cháu, để truyền hết những kinh nghiệm quý báu đúc kết một đời cho thế hệ sau.

 

Thầy thuốc ưu tú Phạm Đình Thái sinh ngày 18/12/1929 tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Ông xuất thân từ một gia đình nghèo ở một làng quê nghèo, ông sớm đến với cách mạng từ sau Cách mạng Tháng Tám/1945, khởi đầu bằng công việc làm giáo viên bình dân học vụ xã Xuân Lãnh và sau đó làm cán bộ thông tin xã, cán bộ thông tin huyện, cán bộ công đoàn huyện Đồng Xuân. Tập kết ra Bắc, ông công tác tại Đoàn thanh niên xung phong Trung ương. Cơ duyên đến với nghề y, tháng 4/1955, ông được cử đi học y tá tại Bệnh viện A Hà Nội, sau đó được cử về công tác tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội) và Tổng cục Bưu điện.

 

Với lòng yêu nghề và khát khao học tập, ông được tổ chức tiếp tục cử đi đào tạo y sĩ trong 2 năm 1957-1958 tại Trường Cán bộ Y tế Hà Nội và trở về đảm nhận trách nhiệm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng phòng Y tế Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội).

 

Khao khát say mê với nghề y, ông đề đạt nguyện vọng và được cấp trên chấp thuận cử đào tạo bác sĩ chính quy tại Đại học Y khoa Hà Nội trong 5 năm (1960-1965).

 

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, ông được phân công về công tác tại Bệnh viện Việt Đức và sau đó là Bệnh viện K Hà Nội.

 

Tháng 7/1972, ông được cử đi học tiếng Nga để có điều kiện tu nghiệp chuyên sâu ở Liên Xô nhưng sau khi học ngoại ngữ, ông đã xung phong về Nam chiến đấu và được tổ chức phân công làm chủ nhiệm khoa Ngoại sản Bệnh viện khu 5 ở chiến khu Quảng Đà.

 

Sau ngày giải phóng, ông đề đạt nguyện vọng được về quê nhà Phú Yên công tác. Từ tháng 10/1975 đến tháng 9/1992, ông được điều động về Bệnh viện Đa khoa Bắc Phú Khánh (nay là Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc bệnh viện, Chủ tịch Hội Y Dược học tỉnh Phú Yên. Là trí thức tiêu biểu, sau ngày tái lập tỉnh 1/7/1989, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên.

 

Từ tháng 10/1992 đến năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y tế Phú Yên. Ông cùng các cộng sự dày công biên soạn bộ giáo trình giảng dạy trong nhà trường, một công việc đầy khó khăn đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và tâm huyết, mà không phải trường trung học y tế nào trên cả nước cũng làm được. Bộ giáo trình này được đồng nghiệp trong và ngoài nước rất khen ngợi và đó cũng là cống hiến đặc sắc của ông khi ở tuổi sắp nghỉ hưu, đã dốc trọn tài năng và công sức cùng các cộng sự xây dựng nền móng vững bền cho Trường Trung cấp Y tế Phú Yên non trẻ.

 

bt2110629.jpg

Bác sĩ Phạm Đình Thái (bìa trái) cùng y sĩ Quang và các đồng nghiệp đang thực hiện một ca mổ tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.LIỆU

 

Những năm đầu sau giải phóng, thương bệnh binh, cán bộ và bà con lao động đã dành những tình cảm đặc biệt cho đội ngũ thầy thuốc quê nhà. Với một đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ khá
khiêm tốn từ chiến khu và miền Bắc trở về (bác sĩ Minh, bác sĩ Thái, dược sĩ Nữ, bác sĩ Thúc, bác sĩ Măng Cư, y sĩ Quang…), thầy thuốc ưu tú Phạm Đình Thái với vai trò Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc bệnh viện đã phát huy tối đa vai trò trọng tâm đoàn kết giữa những thầy thuốc cách mạng và những cán bộ y tế lưu dụng, tạo thành một khối thống nhất, nỗ lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong một hoàn cảnh khó khăn gay gắt về nhân lực, thuốc men, trang thiết bị.

 

Sinh thời, một đàn anh của ông, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Khả Quang hay nói đùa: “Chú mà đi trước tôi, tôi sẽ có những lời ai điếu thống thiết…”. Cụ Trần Khả Quang đã đi xa 18 năm và giờ đây, anh em ông hẳn đã gặp nhau ở cõi vô thường.

 

Vĩnh biệt thầy thuốc ưu tú Phạm Đình Thái, một bậc trí thức, một đảng viên trung kiên đã nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, những người làm báo chúng tôi vẫn còn âm vang chất giọng hào hùng của ông khi kể lại phục vụ chiến trường trận Thượng Đức miền Tây Nam - Ngãi năm 1974 và truyền lửa ý chí khắc phục khó khăn trong sự nghiệp phát triển hôm nay. Xin thắp một nén nhang thơm tiễn ông về cõi vĩnh hằng và nói rằng cuộc đời biết ông - một thầy thuốc từ lòng dân ra đi, hết lòng vì bệnh nhân và sự nghiệp của ngành Y tế tỉnh nhà.

 

NHỊ BÌNH KÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek