Thứ Ba, 08/10/2024 18:41 CH
Sự thay đổi mô hình bệnh tật khi xã hội phát triển
Thứ Năm, 14/09/2006 08:50 SA

Sự chuyển dịch mô hình bệnh tật cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Nhiều quốc gia đã có các chương trình nghiên cứu và các chương trình phòng ngừa các bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng, một trong những yếu tố có liên quan rõ rệt nhất đến mô hình bệnh tật khi xã hội phát triển.

 

Ở nước ta trong những năm gần đây, các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng có xu hướng gia tăng như béo phì, tim mạch, tiểu đườngung thư. Vai trò của chế độ ăn đã được chứng minh là đặc biệt quan trọng trong các bệnh trên.

 

060914-mo.jpg
Điều trị bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên - Ảnh: Thu Thủy

 

Béo phì: Béo phì có nguy cơ gia tăng ở khu vực các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ thừa cân và béo phì của nhóm 4-5 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh là 2,5%, ở Hà Nội trên 1%. Tỷ lệ thừa cân và béo phì của nhóm tuổi 6-11 tuổi ở nội thành phố Hồ Chí Minh là 12%, ở Hà Nội là 4%. Trên người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân cả ở nam và nữ giới đều tăng lên so với trước đây. Ở các lớp tuổi, tỷ lệ thừa cân ở nông thôn nói chung thấp hơn ở thành thị.

 

Tim mạch: Có sự liên quan chặt chẽ giữa thừa cân và bệnh tăng huyết áp ở người trên 60 tuổi. Gần đây số trường hợp đột quỵ tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim hiện nay tăng gấp 6 lần so với thập kỷ 60. Theo kết quả tổng điều tra y tế quốc gia năm 2002, tỷ lệ bị huyết áp cao ở người trên 16 tuổi, nam là 15,9%, nữ là 12,7%. Mặc dù tỷ lệ bị huyết áp cao không khác nhau nhiều ở khu vực nông thôn, thành thị, nhưng có liên quan rõ rệt với tình trạng béo phì, tỷ lệ bệnh cao gấp 2-3 lần ở người có béo phì.

 

Tiểu đường: Bệnh tiểu đường đang có khuynh hướng tăng nhanh ở đô thị. Năm 1989, ở nội thành Hà Nội tỷ lệ mắc là 1,6%, ngoại thành là 0,96%. Năm 1999 ở nội thành là 3%, ở ngoại thành là 1%. Những nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tại các vùng đô thị hiện nay chiếm khoảng 8%. Bằng chứng đó cho thấy có sự liên quan giữa tỷ lệ mắc tiểu đường với lối sống và cách ăn uống ở các đô thị lớn.

 

Ung thư: Trên 35% các trường hợp ung thư được phát hiện là có liên quan đến chế độ ăn, đặc biệt là chế độ ăn nhiều chất béo, muối, đạm động vật, và nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, các loại hạt có nhiễm độc tố Aflatoxin. Ăn nhiều chất béo, nhiều chất đạm, nhất là đạm động vật, ít rau củ là xu hướng chung khi mức sống tăng lên, bữa ăn được cải thiện hơn. Mặc dù các khảo sát cho thấy, hàm lượng năng lượng do chất béo trong khẩu phần bình quân hằng ngày hiện nay vẫn còn thấp so với yêu cầu, chỉ mới khoảng 12% (nhu cầu 20%), nhưng cũng đã tăng hơn nhiều so với cách đây 10 năm, chỉ 7%.

 

Cùng với xu hướng đô thị hóa, ảnh hưởng của thị hiếu, quảng cáo, nếp sinh hoạt ..., đã làm thói quen ăn uống của một bộ phận dân cư dần thay đổi. Sự thay đổi đó cùng với những thay đổi trong lối sống là các yếu tố đóng góp vào sự gia tăng các bệnh mạn tính kể trên.

 

Bảng thống kê dưới đây về tỷ lệ mắc /chết do các nhóm bệnh trên toàn quốc, cho thấy xu hướng bệnh tật của một xã hội đang phát triển. Trong đó, các bệnh lây nhiễm, bệnh dịch có xu hướng giảm; các bệnh không lây (bao gồm các bệnh như kể trên) có xu hướng tăng; các bệnh do tai nạn, ngộ độc, chấn thương cũng tăng lên đáng kể:

 

Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay, khi gánh nặng bệnh tật của một nước nghèo vẫn chưa giải quyết hết, thì đã phải lo thêm các loại bệnh của một xã hội phát triển. Các hoạt động y tế vẫn còn phải vất vả với các bệnh lây nhiễm, bệnh gây dịch, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, suy dinh dưỡng, thiếu máu ở bà mẹ; lại phải đương đầu với những dịch bệnh mới phát sinh như HIV/AIDS, cúm A H5N1. Việc phòng ngừa, khống chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến lối sống, dinh dưỡng trong tình hình kinh tế- xã hội phát triển cần nhiều nỗ lực, nghiên cứu các giải pháp phù hợp mới đạt được mục tiêu cải thiện sức khỏe, tăng tuổi thọ cho cộng đồng.                  

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek