Hỏi: Gần đây, mỗi khi thời tiết thay đổi, mặt cháu đỏ phừng rồi nổi mẩn ngứa. Cháu được bác sĩ cho biết là dị ứng do thời tiết và cho uống thuốc nhưng không thấy khỏi. Có phải bị ảnh hưởng gan hay không vì trước đây cháu có bị bệnh gan?
Trần Thị Thu Thúy
(thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân)
Trả lời: Đúng như bác sĩ đã chẩn đoán, cháu bị mẩn ngứa (nổi mày đay) do dị ứng với thời tiết. Cơ thể người bình thường khi gặp gió lạnh thì co mạch máu ở ngoại vi lại để bớt tỏa nhiệt, tiết kiệm được năng lượng. Còn cơ thể cháu, do bị mẫn cảm, lại phản ứng một cách dị thường (dị ứng) bằng hiện tượng giãn mạch, làm cho mặt đỏ và người ớn lạnh, ngay sau đó, chất huyết tương của máu tràn qua thành mạch mà xâm nhập các mô, làm ngứa ngáy và sưng nề. Nếu tiếp tục ra gió hay dầm nước, có thể nổi mẩn nhiều chỗ, kèm theo đau bụng, vài trường hợp có thể phù thanh quản gây khó thở.
Bệnh không phải do gan. Nguyên nhân do cơ thể bị dị ứng đã sản xuất ra chất histamin gây nên một loạt hiện tượng nói trên. Để điều trị dị ứng, Tây y có các loại thuốc chống histamin tổng hợp để đối phó. Tuy nhiên, một số những loại thuốc này làm cho bệnh nhân buồn ngủ rất khó chịu, gây trở ngại trong sinh hoạt bình thường, và thuốc cũng chỉ chữa triệu chứng, không chữa được tận gốc. Tây y cũng cố gắng chữa tận gốc đối với những nguyên nhân gây dị ứng là: thức ăn, đồ uống, phấn hoa, lông súc vật, bụi bặm, hóa chất... bằng phương pháp giải mẫn cảm khá phức tạp; riêng dị ứng với thời tiết chưa có cách giải quyết.
Trong khi chờ đợi các nhà nghiên cứu tìm được cách chữa tận gốc bệnh dị ứng với thời tiết như mẩn ngứa, hen suyễn... (mà tác nhân chủ yếu có lẽ là sự thay đổi đột ngột áp suất của khí quyển), có thể thử dùng bài thuốc nam như sau: Kim ngân hoa 12g cho vào 200ml nước, đun sôi trên lửa nhỏ còn 20ml, uống làm 2 lần trong ngày (có thể dùng liều tăng dần cho tới 24g/ngày); dùng thường xuyên, kể cả những hôm không nổi mẩn, trong thời gian dài, sẽ có tác dụng giải mẫn cảm, do đó sẽ bớt hoặc hết hẳn dị ứng.
Để hạn chế, mỗi khi bị mẩn ngứa cháu phải lập tức vào chỗ kín gió, sưởi ấm hoặc trùm chăn ngay, uống nước nóng, tránh tiếp xúc với đồ lạnh. Có thể dùng khăn đã hơ nóng xát nhẹ lên chỗ nổi mẩn. Nếu đau quặn bụng thì dùng túi nước nóng hay viên gạch nóng chườm lên, sẽ hết. Nếu dị ứng kéo dài, có thể uống thuốc chống dị ứng như Cetirizin (biệt dược Cezil 10mg), ngày 1 viên, thuốc không gây buồn ngủ.
Bác sĩ ĐOÀN VĂN HẢI