Trong thời kỳ kinh tế thị trường, kinh doanh thức ăn đường phố đáp ứng nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng và là nét văn hóa của nhân dân, phù hợp với mọi đối tượng, rẻ tiền…
Bán thức ăn đường phố không có dụng cụ che đậy, mất vệ sinh an toàn thực phẩm - Ảnh: M.NGUYỆT |
Tuy nhiên, kinh doanh thức ăn đường phố bộc lộ nhiều nhược điểm như thiếu cơ sở hạ tầng và điều kiện vệ sinh môi trường như nước sạch, xử lý rác, chất thải, công trình vệ sinh, tủ lạnh, tủ bảo quản thực phẩm; khó kiểm soát do sự đa dạng, cơ động, tính tạm thời, mùa vụ. Người kinh doanh thức ăn đường phố thường thiếu kiến thức để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nguồn nước họ sử dụng chưa đảm bảo vệ sinh do điều kiện buôn bán trên đường phố, không đủ dụng cụ chứa nước sạch. Mặt khác, khi chế biến thức ăn, họ thường để lẫn sống chín, dùng chung dụng cụ, sử dụng phẩm màu, phụ gia độc hại ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, để côn trùng, bụi bám vào thực phẩm. Thức ăn bày bán trên đường phố thường không được che đậy kỹ để tránh ruồi nhặng, bụi bặm. Người bán không trang bị bảo hộ lao động như tạp dề, mũ, khẩu trang, dùng tay bốc thức ăn. Địa điểm bán hàng thường không sạch sẽ, kê bán sát mặt đất, gần nơi ô nhiễm. Dụng cụ nấu nướng không phù hợp, không đảm bảo vệ sinh. Giá thức ăn đường phố thường rẻ dẫn đến người kinh doanh phải sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, kém phẩm chất, dễ nhiễm vi sinh vật
Việc quản lý kiểm tra ATVSTP thức ăn đường phố lâu nay tại Phú Yên gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, thiếu sự phối hợp thường xuyên với các ngành chức năng. Nhiều nơi chính quyền địa phương còn phó thác cho ngành Y tế nhất là tuyến xã, chưa xem đây là trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình. Chính vì vậy có nhiều mối nguy hại từ thức ăn đường phố.
Trong năm 2010, ngành Y tế đã phối hợp các địa phương triển khai 3 xã, phường điểm thực hiện quản lý thức ăn đường phố theo mô hình do Bộ Y tế ban hành những tiêu chí cơ bản dựa trên 6 nguyên tắc chỉ đạo thực hiện điểm thức ăn đường phố, 10 tiêu chuẩn đảm bảo ATVSTP thức ăn đường phố, 11 bước triển khai xây dựng xã, phường đạt tiêu chuẩn đảm bảo ATVSTP thức ăn đường phố. Song song với việc triển khai các xã, phường điểm, để tránh những tác động xấu cho người tiêu dùng, các địa phương đã thành lập nhiều đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra lĩnh vực ATVSTP thức ăn đường phố được phân công trên địa bàn.
Qua các đợt kiểm tra, giám sát, kết quả đánh giá cho thấy các cơ sở còn nhiều thiếu sót, triển khai còn nhiều bất cập trong bảo đảm ATVSTP. Để việc triển khai thức ăn đường phố đáp ứng nét văn hóa truyền thống và đảm bảo được ATVSTP với người tiêu dùng, theo kịp sự phát triển của đất nước, thời gian tới các ngành chức năng Phú Yên cần có giải pháp quyết liệt và phù hợp hơn để thực hiện những quy định như: Người kinh doanh ở lĩnh vực này cần phải đảm bảo đủ sức khỏe và phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Cần phải xem việc học tập kiến thức ATVSTP là một yêu cầu không thể thiếu cho người kinh doanh, chế biến thực phẩm. Do vậy, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức cho các đối tượng có liên quan kinh doanh thức ăn đường phố học tập kiến thức ATVSTP, thời gian ít nhất một buổi theo quy định của Bộ Y tế, do trung tâm y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn.
Trước mắt, phải bắt buộc những người kinh doanh trang bị ngay các phương tiện như: đồ gắp và múc thức ăn riêng, quần áo sạch sẽ gọn gàng, từng bước khuyến khích tiến tới bắt buộc trang bị mũ, khẩu trang, tạp dề, găng tay theo quy định.
Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở thức ăn đường phố do xã, phường, thị trấn quản lý. Do vậy, công tác kiểm tra cần phải được quan tâm vì hiện nay cấp xã, phường, thị trấn không có thanh tra chuyên ngành, nên chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành do trạm y tế làm trưởng hoặc phó đoàn thường xuyên tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý các cơ sở cố tình vi phạm về ATVSTP, thẩm quyền xử phạt do chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Hàng năm địa phương cần tổ chức kiểm tra và đề xuất bảng điểm đánh giá xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn thức ăn đường phố.
ATVSTP có tầm quan trọng đối với đời sống mỗi người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từng thành viên trong xã hội, tới sự phát triển nòi giống và việc phát triển kinh tế, xã hội an ninh quốc phòng, văn hóa du lịch của địa phương… Hơn ai hết, những người kinh doanh thức ăn đường phố phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về ATVSTP và phải là người kinh doanh có lương tâm.
Bác sĩ NGUYỄN VĂN TÂM
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP