Luyện tập thể lực chỉ có hiệu quả khi lựa chọn phương pháp phù hợp với từng cá thể, có đam mê và hiểu biết một cách khoa học.
Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ đam mê luyện tập thể hình. - Ảnh minh họa: NLĐ |
Hầu hết mọi người đều biết đến những tác dụng của việc tập luyện thể lực thường xuyên là giảm béo cơ thể; cải thiện các quá trình chuyển hóa, tầm vận động của khớp, sức mạnh, sức bền của cơ bắp, cảm giác; tăng cường giác quan và đề phòng được các thương tật thứ phát...
Xác định cường độ qua tần số tim
Nghe thì đơn giản nhưng nếu người tập không lưu ý đến một số quy tắc thì đôi khi lại phản tác dụng.
Những quy tắc đó gồm: Không ăn trước khi tập 1 – 2 giờ; uống nhiều nước hoa quả, cả trước lẫn trong và sau khi tập luyện; điều chỉnh cường độ tập theo thời tiết, khi bị mệt hoặc ốm, mùa lạnh tập nhiều hơn mùa nóng.
Ngoài ra, hãy “lắng nghe” các triệu chứng báo trước của cơ thể và hỏi ý kiến bác sĩ nếu có đau ngực, tim đập bất thường, tím tái, mệt mỏi sớm, thở bất thường, đau đầu hay có triệu chứng bất kỳ khác.
Nguyên tắc mà người tập luyện thể lực phải nhớ nằm lòng là nên tập khởi động nhẹ nhàng 5-10 phút để “hâm nóng” cơ bắp trước khi thực hiện bài tập chính. Sau khi tập luyện xong, nên tập thư giãn nhẹ nhàng để “làm lạnh” cơ.
Làm sao biết cường độ tập nhiều hoặc ít? Ở nhiều viện nghiên cứu, người ta cho rằng tần số tim là tiêu chuẩn để xác định cường độ tập luyện thể lực. Có thể tự xác định tần số tim bằng cách bắt mạch hoặc dùng máy đo huyết áp điện tử.
Tần số tim lúc nghỉ ngơi bình thường khoảng 60 – 80 nhịp đập/phút. Người tập luyện thể lực nhiều hoặc vận động viên sẽ có nhịp đập chậm hơn. Ngược lại, tuổi càng cao, mạch sẽ đập nhanh hơn.
Thời điểm xác định tần số tim lúc nghỉ tốt nhất là vào sáng sớm, lúc vừa mới tỉnh giấc và đang nằm trên giường. Tần số tim tối đa được xác định theo công thức: lấy 220 trừ số tuổi (ví dụ 45 tuổi thì tần số tim tối đa là 220-45=175 chu kỳ/phút). Tần số tim thể hiện việc tập luyện thể lực sẽ đạt hiệu quả khi có tần số từ 50% đến 75% tần số tim tối đa.
Chọn nhóm phù hợp
Không có một phương pháp tập luyện nào phù hợp với tất cả mọi người. Việc tập luyện phải phù hợp với từng người (tuổi, giới, tầm vóc, bệnh tật, đã hoặc chưa tập luyện).
Để luyện tập thể lực có hiệu quả thì cần lựa chọn phương pháp phù hợp với từng cá thể, cần có đam mê và hiểu biết một cách khoa học. Muốn thế, chúng ta cần lưu ý là hầu hết các loại bài tập thể lực được xếp vào 3 nhóm. Cụ thể:
- Nhóm tập thể lực hoặc tập sức chịu đựng. Nhóm này gồm 2 loại. Loại nhẹ (đi bộ, bơi lội, lên xuống cầu thang...) dùng được cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu có sức khỏe bình thường; loại cường độ cao (chạy, khiêu vũ, tennis, cầu lông, xe đạp và một số môn thể thao khác) được dùng cho những người thuộc nhóm dưới 50 tuổi và một số ít người trên 50 tuổi nhưng có trạng thái sức khỏe tốt, đã tập luyện trước đây và hiện nay vẫn tiếp tục duy trì đều đặn. Cường độ tập luyện của nhóm cường độ cao được phân ra 3 mức: tập ít là 1 giờ/tuần; tập trung bình là 3 giờ/tuần; tập nhiều là 5 giờ/tuần.
Một nghiên cứu cho thấy nếu một người có tuổi đi bộ hơn 3 giờ/tuần thì sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành tim 65%. Những người không được khỏe lắm hoặc cao tuổi thì nên bắt đầu tập từ từ.
Ví dụ, bắt đầu tập từ 5-10 phút với cường độ thấp trong vòng vài ba ngày, sau đó tăng dần đến 30 phút/ngày. Bơi lội là loại tập và môn thể thao lý tưởng cho mọi lứa tuổi, đặc biệt cho những người có hạn chế thể chất, hạn chế thể lực, người có vấn đề cơ, xương, khớp, thần kinh, loại trừ những người bị hen suyễn hoặc bệnh tim nặng.
- Nhóm tập sức mạnh hoặc tập kháng trở: Bao gồm các bài tập thể hình; tập cường độ cao, mạnh trong thời gian ngắn, sau đó lặp đi lặp lại nhiều lần với kết quả là cả nhóm cơ hoặc một cơ bắp được nở ra, khỏe hơn.
Khi tập có thể sử dụng một số dụng cụ như dây cao su, lò xo, chai nước, bao cát, quả tạ, xe đạp, chèo thuyền, máy tập đa năng, băng tải chạy... Trong loại tập này, lưu ý chỉ có tập gồng cơ là phù hợp với người cao tuổi, các loại bài tập khác chỉ phù hợp cho người trẻ tuổi và tuổi trung niên. Đối với những người mới tập, nên bắt đầu từ từ với thời gian 10-20 phút, sau đó tăng dần.
- Nhóm tập mềm dẻo: Là nhóm sử dụng các bài tập kéo dãn các tổ chức mềm như da, cơ bắp, gân, dây chằng với mục đích đề phòng chuột rút (co thắt cơ), xơ dính, tăng tầm vận động khớp.
Trong thực tế, các bài tập yoga, thái cực quyền vừa kết hợp các bài tập kéo dãn vừa kết hợp các bài tập thở đã có hiệu quả làm giảm đáng kể stress, tăng cường khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Loại tập này phù hợp cho mọi lứa tuổi, đặc biệt cho người có tuổi và người cao tuổi.
Theo NLĐ