Thứ Năm, 28/11/2024 20:50 CH
Phát hiện sớm và điều trị đúng cách bệnh đái tháo đường
Thứ Hai, 14/02/2011 14:00 CH

Để bạn đọc hiểu rõ hơn và có được những thông tin về thực trạng bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), đồng thời có được những tư vấn khoa học và thiết thực về triệu chứng, cách phòng, chữa bệnh của chuyên gia hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực này, Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó Chủ nhiệm Hội Nội tiết TP Hồ Chí Minh nhân chuyến công tác của bà về Phú Yên.

 

 

dtd110214.jpg

Chăm sóc bệnh nhân bị đái tháo đường ở một cơ sở y tế. - Ảnh: V.HÙNG

 

* Làm thế nào để biết mình bị đái tháo đường, bệnh có di truyền hay không, thưa tiến sĩ?

 

- ĐTĐ được xác định dựa trên kết quả xét nghiệm đường máu, người bị ĐTĐ khi đường máu mao mạch lúc đói >6,1 mmol/l (lấy máu ở đầu ngón tay bằng máy thử). Khi có những dấu hiệu đái nhiều, khát nhiều, ăn nhiều mà vẫn gầy, quan sát nước tiểu thấy ruồi bâu, kiến đậu, thì nên nghĩ tới bệnh ĐTĐ vì có thể bạn đã mắc bệnh từ lâu. Tốt nhất khi đó là bạn đi kiểm tra sức khỏe tổng quát để có hướng điều trị kịp thời.

 

Bạn hoàn toàn có thể mắc bệnh đái tháo đường dù trong gia đình không có ai mắc bệnh. Bệnh ĐTĐ phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn (chất bột và chất ngọt quá nhiều). Những người có mỡ máu, thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực đều rất dễ bị ĐTĐ.

 

* ĐTĐ có liên quan đến nghề nghiệp không?

 

- Số người mắc ĐTĐ ngày càng tăng do phát hiện bệnh sớm hơn.

 

Bệnh ĐTĐ phát triển như ngày nay là hậu quả của sự thay đổi lối sống. Ví dụ hoạt động thể lực ít, ăn nhiều thức ăn có năng lượng cao. Hậu quả là mức cung vượt quá mức cầu gây ra sự dư thừa lượng đường và lượng mỡ trong cơ thể. Bệnh ĐTĐ có liên quan đến nghề nghiệp, đặc biệt ở những người mắc bệnh ĐTĐ thì các biến chứng của bệnh càng liên quan chặt chẽ hơn. Những nghề ít hoạt động thể lực là những nghề có nguy cơ cao nhất. Vì thế, phải tăng cường các hoạt động thể lực, ví dụ như tập thể dục, đi bộ tối thiểu 30 phút/ngày, 4-5 lần/tuần và buổi trưa không nên ngủ quá 30 phút.

 

* Ở độ tuổi nào thường hay mắc bệnh ĐTĐ?

 

- Ở tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh ĐTĐ nhưng dưới 30 tuổi thì dễ mắc ĐTĐ type 1, còn từ 30 tuổi trở lên thì dễ mắc bệnh ĐTĐ type 2 (đặc biệt từ lứa tuổi trên 45). Nhóm người có nguy cơ cao mắc ĐTĐ là suy dinh dưỡng bào thai, suy dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời; thừa cân, béo phì; những người có lối sống tĩnh tại, ít hoạt động, tập luyện thể dục, thể thao; chế độ ăn không hợp lý; gia đình có tiền sử người mắc bệnh đái tháo đường…

 

* Vậy làm thế nào để phòng tránh căn bệnh này?

 

- Bằng chế độ ăn hợp lý có thể góp phần dự phòng bệnh ĐTĐ có hiệu quả. Ăn nhiều rau và các loại quả, sử dụng thường xuyên các loại hạt họ đậu, chọn các loại ngũ cốc toàn phần; ăn cá một tuần ít nhất từ 2-3 lần, ăn thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, chọn sữa gầy, sữa đậu nành, các loại phomát ít béo, uống nước chè xanh, không nên uống nước ngọt chế biến sẵn, dùng dầu thực vật để nấu nướng thay cho các loại mỡ có nhiều axít béo, không nên ăn nhiều bánh kẹo ngọt giàu năng lượng, ăn vừa phải, không ăn quá no.

 

Chế độ ăn cần tuân theo nguyên tắc chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không để đói quá hoặc no quá. Nên sử dụng đường isomant (là loại đường chức năng, tạo vị ngọt nhưng lại không làm tăng glucose máu sau ăn) trong các món ăn gia đình.

 

Việc điều trị ĐTĐ đạt được những chỉ tiêu tốt là việc rất khó khăn, tốn kém. Người thầy thuốc phải biết kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập, cách dùng thuốc cho đúng. Nếu để hỏng 1 trong 3 khâu trên thì kết quả điều trị không đạt được mong muốn. Ngoài ra, cần duy trì cân nặng “nên có” và hoạt động thể lực hợp lý (tập thể dục thường xuyên, giữ lối sống năng động, đi cầu thang bộ, đạp xe đạp, làm các công việc gia đình...).

 

* Qua lớp truyền đạt kiến thức về bệnh ĐTĐ cho người dân và nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên mới đây, bác sĩ có khuyến cáo gì?

 

- Tôi đã tư vấn giúp bệnh nhân có thêm kiến thức để tự chăm sóc mình và hướng dẫn nhân viên y tế phục vụ tốt hơn công tác điều trị ĐTĐ. Qua đó, họ sẽ để bệnh nhân chủ động theo dõi bệnh, đánh giá những mặt có hại và có lợi. Tôi đã truyền đạt cả hai phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc để điều trị bệnh ĐTĐ. Nếu người bệnh ăn uống đúng chỉ dẫn của bác sĩ sẽ có lợi cho sức khỏe, sẽ thấy chủ động trong ăn uống và chất lượng sống sẽ tốt hơn.

 

ĐTĐ sẽ đưa đến tình trạng tăng đường huyết, gây nhiều biến chứng cho cơ thể, biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ, sẽ gây tổn thương cho các cơ quan như tim, mắt, não, thận…, tàn phế cơ thể, đe dọa đến mạng sống. Nếu như phát hiện bệnh sớm có thể làm giảm hoặc làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng. Điều trị tốt có sự phối hợp cả bệnh nhân và bác sĩ, sẽ đưa đến hiệu quả cao là ổn định đường huyết, ngăn ngừa biến chứng xuất hiện.

 

Đối với cộng đồng, cần phát hiện sớm bệnh, người bệnh phải thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, thực hiện đúng các mục tiêu về chỉ số đường huyết, mỡ máu. Đối với ngành y tế, đòi hỏi sự nỗ lực của chuyên khoa ĐTĐ và các chuyên khoa về mắt, bàn chân, vật lý trị liệu, dinh dưỡng… để phối hợp điều trị tốt hơn bệnh ĐTĐ.

 

*Xin cảm ơn bác sĩ!

 

VŨ HOÀNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Huyết áp thấp có nguy hiểm?
Thứ Hai, 14/02/2011 10:00 SA
Ăn mặn tốt hay không tốt?
Thứ Hai, 14/02/2011 09:00 SA
Thức ăn phòng chống tăng huyết áp
Chủ Nhật, 13/02/2011 13:48 CH
Món ăn tốt nhất sau những ngày đông lạnh
Thứ Bảy, 12/02/2011 16:00 CH
8 lý do bạn nên uống bia
Thứ Sáu, 11/02/2011 17:45 CH
Đã có thuốc tránh thai cho đàn ông
Thứ Năm, 10/02/2011 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek