Thứ Năm, 03/10/2024 22:35 CH
Vận dụng tư tưởng của Bác trong truyền thông sức khỏe
Thứ Hai, 17/01/2011 14:00 CH

Hiện nay hệ thống y tế của nước ta phát triển rộng khắp, nhiều thành tựu trong lĩnh vực điều trị được thế giới công nhận như ghép tạng (ghép gan, thận, tim, đặc biệt là sử dụng tế bào gốc trong ghép tạng). Trong lĩnh vực dự phòng, chúng ta đã phòng chống thành công nhiều dịch bệnh tối nguy hiểm như: SARS, cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, sốt xuất huyết, dịch tiêu chảy cấp… Có được những thành tựu trên là nhờ chúng ta đã vận dụng tốt tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong lĩnh vực y tế.

 

aids-110117.jpg

Phát tờ rơi truyên tuyền giáo dục sức khỏe đến người dân. - Ảnh: T.THỦY

 

Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, vào ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên Báo Cứu quốc “… khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái, đó là sức khỏe” Với cách nói hết sức giãn dị, gần gũi với nhân dân, Bác đã đưa ra khái niệm một cách đầy đủ nhất về sức khỏe. 30 năm sau, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã định nghĩa về sức khỏe không khác mấy so với khái niệm của Bác: Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh hay tật. Điều đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chi Minh rất am tường về sức khỏe và các cách để bảo vệ sức khỏe. Theo Bác, có sức khỏe mới có sức để làm việc khác, Bác đã từng viết: “Giữ gìn dân chủ, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công; mỗi người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, mỗi người dân khỏe mạnh thì cả nước khỏe mạnh, dân cường thì quốc thịnh” hay “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”…

 

Hiện nay với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe đã được đẩy mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Phương pháp truyền thông đã đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân nâng cao nhận thức trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa giữa nhận thức và hành vi.

 

Thực tế, nhiều người khi được hỏi về cách phòng bệnh sốt xuất huyết, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em hay cách chọn và chế biến thực phẩm an toàn thì họ trả lời hết sức đầy đủ, nhưng họ lại không thực hiện như sự hiểu biết của mình. Cũng có nhiều người được hướng dẫn các biện pháp giữ vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, rửa tay bằng xà phòng, nhưng họ không làm vì cho rằng không có thời gian hay không có xà phòng… Những lý do đó đã và đang đặt ra cho những người làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nói riêng, cán bộ ngành y tế nói chung những thách thức không nhỏ.

 

Cần phải có biện pháp truyền thông để mọi người thấy rõ trách nhiệm của mình. Phải tuyên truyền như thế nào để người dân thực sự thay đổi không chỉ nhận thức mà cả thái độ và hành vi. Tuyên truyền để “dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm” như lời dạy của Bác quả là không dễ, vận dụng lý thuyết truyền thông như thế nào cho phù hợp. Các nhà khoa học về giáo dục sức khỏe đã đưa ra kết luận “truyền thông đại chúng làm thay đổi nhận thức nhanh hơn, ngược lại truyền thông trực tiếp làm thay đổi hành vi tốt hơn” quả không sai. Điều này đã được các chuyên gia trong nước khẳng định hiệu quả của tuyên truyền miệng (70-80% kiến thức có được của mỗi người là nhờ ngôn ngữ nói hay tuyên truyền miệng). Trong truyền thông trực tiếp cần phải có nội dung hết sức cụ thể, rõ ràng, thiết thực với từng đối tượng.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên người dân ăn ở vệ sinh, Người nói hết sức đơn giản nhưng sức thuyết phục cao “Mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ” hay “ Sạch sẽ thì ít ốm đau. Có sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn”. Bác đã gắn chăm sóc sức khỏe với tinh thần yêu nước  “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”. Bác đã chỉ ra cho chúng ta những chiến lược vĩ mô trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền nhân dân cách bảo vệ sức khỏe như: “ăn ở sạch sẽ, không gặp đâu nằm đó, không gặp gì ăn nấy...”; “Nay những thứ thuốc ta quen dùng ngày càng hiếm. Vậy anh em nên thi đua tìm ra các thứ thuốc mà nước ta sẵn nguyên liệu. Cũng như những thứ thuốc ta có, anh em nên thi đua tìm ra cách chữa bệnh chóng khỏi mà tốn ít thuốc...”.

 

Trong sinh hoạt của Bác là những kho tàng quý báu về tấm gương rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Người dân Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung không thể không khâm phục khi xem lại các thước phim tư liệu thấy cảnh Bác Hồ ở Việt Bắc tập bóng chuyền, tập võ thuật đều đặn để nâng cao sức khỏe, sức dẻo dai, những hình ảnh này là những tấm gương vô giá cho con cháu đời sau học tập và làm theo tấm gương của Người.

Mặc dầu Bác đã đi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những tư tưởng, tấm gương của Người về công tác tuyên truyền vận động, rèn luyện sức khỏe vẫn còn nguyên giá trị.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

GĐ Trung Tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khô mắt, mỏi mắt
Thứ Hai, 17/01/2011 10:15 SA
Mẹo khắc phục chứng khô nẻ ngày đông
Thứ Bảy, 15/01/2011 17:30 CH
Mẹo hay trị cảm lạnh
Thứ Sáu, 14/01/2011 16:35 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek