Chủ Nhật, 06/10/2024 15:23 CH
Phòng bệnh thủy đậu
Thứ Hai, 23/08/2010 13:00 CH

Hỏi: Nhà tôi có cháu nhỏ bị sốt, nổi mụn nước trong, không biết có phải bị thủy đậu? Đi khám bệnh ở phòng khám chỉ thấy cho thuốc hạ nhiệt, vitamin. Vậy có cần điều trị thêm gì cho cháu không, cháu lớn trong nhà có cần được tiêm phòng không?

 

Huỳnh Thị Hòa (phường Phú Đông,TP Tuy Hòa)

 

Trả lời: Thủy đậu hay còn gọi là trái rạ là một bệnh nhiễm trùng do vi rút gây nên. Đối tượng mắc bệnh thường là trẻ sơ sinh đến 14 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh và thường nặng hơn ở trẻ nhỏ.

 

Bệnh lây lan rất nhanh qua các giọt nước mũi, nước mắt, nước miếng bắn ra khi ho hắt hơi, khóc. Dịch rỉ từ các nốt thủy đậu cũng chứa nhiều mầm bệnh. Giai đoạn dễ lây nhất là  2-5 ngày kể từ lúc nổi ban.

 

Bệnh khởi phát giống như trường hợp cảm cúm gồm: sốt, mệt mỏi, nhức đầu, ho. Dấu hiệu điển hình nhất là nổi ban màu hồng nhỏ, sau lớn dần ra, ở giữa có nốt phồng mọng nước trong, có thể hóa mủ nếu bội nhiễm vi trùng. Ban không nổi cùng một lúc, trên một vùng da có thể thấy có nốt mới mọc, có nốt đã vỡ. Sau 4-5 ngày ban khô đóng mày và tróc sau khoảng 2 tuần thành sẹo mờ dần. Thường ở trẻ nhỏ không để lại sẹo, nhưng ở người lớn nhất là người suy yếu miễn dịch hoặc ban bội nhiễm có thể để lại sẹo.

 

Thủy đậu là một bệnh lành tính ở trẻ nhỏ, bệnh thường tự khỏi, rất ít trường hợp bị nặng. Tuy nhiên nếu giữ vệ sinh kém, hoặc bôi đắp lá gây bội nhiễm làm mủ, lở loét, bệnh có thể kéo dài. Điều trị chủ yếu là giữ gìn vệ sinh da, hạ nhiệt nếu có sốt, các nốt ban có mủ, có thể bôi bằng dung dịch xanh methylen; nghỉ ngơi, ăn uống đủ dinh dưỡng. Những việc làm nên tránh: bôi đắp lá, cắt lể, chích nặn nốt ban, “bắt dời”, hoặc không tắm rửa cho trẻ trong nhiều ngày…

 

Trẻ mắc bệnh hoặc bị nhiễm trùng (nhưng không phát bệnh) sẽ được miễn dịch suốt đời, tức là không bị bệnh thủy đậu trở lại (giống như trường hợp đã được tiêm phòng).

 

Vì bệnh lây qua đường hô hấp nên những trẻ học cùng lớp, sống cùng nhà, chơi cùng xóm rất dễ lây bệnh cho nhau, thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tuần; và có thể có nhiều trẻ nhiễm trùng nhưng không bị bệnh hoặc chỉ bệnh nhẹ. Như vậy khi trong nhà, trong lớp có trẻ bệnh, các trẻ khác nhiều khả năng đã nhiễm trùng nhưng chưa phát bệnh hoặc sẽ không bệnh; trong khi đó việc tiêm phòng chỉ có tác dụng ngừa bệnh ít nhất 2 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên! Do đó việc tiêm phòng tốt nhất phải thực hiện từ trước hoặc từ đầu mùa dịch. Tiêm phòng bây giờ chỉ có tác dụng phòng ngừa về sau chứ không phải phòng cho thời điểm này.

 

Bác sĩ ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trẻ em được quan tâm, chăm sóc tốt hơn
Thứ Sáu, 20/08/2010 19:00 CH
Nạp năng lượng cho cơ thể
Thứ Sáu, 20/08/2010 16:30 CH
Cả cộng đồng cùng vào cuộc
Thứ Sáu, 20/08/2010 10:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek