Thứ Hai, 07/10/2024 01:31 SA
Chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường
Thứ Hai, 02/08/2010 07:00 SA

Đái tháo đường là một trong những bệnh được biết đến lâu nhất trong lịch sử nhân loại. Biến chứng bàn chân người đái tháo đường cũng đã được nhà ngoại khoa nổi tiếng Ambrroise Pare (1510-1590) nhắc đến từ những năm đầu của thế kỷ 15 và ngày càng được nhiều người quan tâm do tính phổ biến của bệnh.

 

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh lý bàn chân ở người đái tháo đường biểu hiện như đau cách hồi và đau về đêm, mất đi đột ngột, dị cảm hoặc mất cảm giác, chi lạnh, mất mạch, da tái nhợt khi giơ chân lên cao, đỏ da bóng nhẫy, teo mỡ dưới da, mất lông bàn chân và ngón chân, móng dày lên và thường có nhiễm nấm móng và hoại tử…

 

Sau đây xin hướng dẫn cách chăm sóc chân cho bệnh nhân đái tháo đường:

 

Vệ sinh chân

 

1- Rửa chân hàng ngày bằng xà phòng mềm và nước ấm. Làm khô kẽ giữa các ngón chân bằng áp lực, không nên xoa xát mạnh vì nó có thể làm bong lớp da mỏng.

 

2- Khi chân đã được làm khô, xoa dầu thực vật để giữ cho chúng mềm, ngăn những va chạm quá mức, loại bỏ chất bẩn và phòng da bị khô. Cần chăm sóc để tránh sự mềm yếu của bàn chân.

 

3- Nếu chân trở nên mềm và yếu, xoa với cồn một tuần một lần.

 

4- Khi xoa chân, luôn luôn xoa đến tận đầu các ngón chân. Nếu có giãn tĩnh mạch chân, xoa bóp chân phải rất nhẹ nhàng, chú ý không bao giờ xoa bóp cẳng chân.

 

5- Nếu móng chân bị giòn và khô, làm chúng mềm bằng cách nhúng chúng vào nước ấm có pha 1 thìa cà phê Borat natri, lau sạch quanh móng bằng que gỗ cam. Nếu móng dài quá, giũa chúng bằng ván mài. Giũa chúng thẳng qua và không ngắn hơn tổ chức phần mềm nằm ở dưới của ngón chân, không bao giờ cắt góc của móng.

 

6- Mang giày gót thấp bằng da mềm ôm vừa bàn chân. Giày phải có phần ngón rộng để không gây áp lực, vừa với phần cong, ôm vừa gần cổ chân. Chỉ đi giày mới nửa giờ - một giờ trong ngày đầu tiên và mỗi ngày sau tăng một giờ. Đi tất ấm, dày, lỏng.

 

Điều trị chai và sừng chân

 

1- Chai và sừng chân là do ma sát và sức ép, phần lớn là do giày và tất không vừa, đi giày vừa khít chân sẽ không gây ma sát và lực ép.

 

2- Để loại bỏ sừng hay chai chân, ngâm bàn chân trong nước ấm, sử dụng xà phòng mềm trong khoảng 10 phút, sau đó lau sạch tổ chức thừa bằng khăn mặt hay giũa. Không nên xé rách nó ra, trong hoàn cảnh nào cũng không để da bị kích thích.

 

3- Không cắt chai và sừng chân, nếu cần quan tâm đến chúng, để được an toàn nên đến khám bác sĩ hoặc người chuyên trị bệnh chân.

 

4- Phòng ngừa sự tạo thành sừng ở dưới gót chân bằng cách luyện tập như là quay hay co duỗi ngón chân nhiều lần trong ngày, kết thúc mỗi bước ở phần ngón chân chứ không phải ở phần gót, đi giày không quá ngắn và gót không cao.

 

Những trợ giúp trong điều trị tổn thương tuần hoàn (bàn chân lạnh)

 

1- Không sử dụng thuốc lá ở bất cứ dạng nào vì thuốc lá làm co mạch máu và do đó làm giảm tuần hoàn.

 

2- Giữ ấm, mang quần áo và tất ấm.

 

3- Không mang nịt vòng quanh làm ép vào mạch máu và giảm dòng máu.

 

4- Không ngồi vắt chéo chân vì có thể ép vào  động mạch ở cẳng chân và cắt đứt dòng máu tới bàn chân.

 

5- Không bôi bất cứ thuốc nào lên bàn chân mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.

 

6- Không sử dụng nhiệt dưới dạng nước nóng, chai nước nóng hoặc đệm nóng mà chưa có sự ưng thuận của thầy thuốc, ngay cả nóng vừa có thể  làm tổn thương da nếu tuần hoàn kém.

 

7- Nếu bàn chân ẩm hay bệnh nhân có xu hướng phát triển bàn chân lực sĩ, cần thoa bột phòng ngừa lên bàn chân, tất và giày hàng ngày. Thay đổi giày và tất ít nhất 1 ngày 1 lần.

 

Điều trị các vết trầy da

 

1- Sơ cứu ban đầu thích hợp vô cùng quan trọng, thậm chí cả những tổn thương bề ngoài nhỏ. Đi khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ ửng đỏ, phồng rộp, đau hay sưng. Bất kỳ một vết rách da nào cũng có thể bị loét hay hoại thư nếu không được điều trị đúng.

 

2- Bệnh nấm da (bàn chân lực sự), bắt đầu bằng bong da và ngứa ở giữa các ngón chân hoặc mất máu và dày các ngón chân, cần được bác sĩ hay người chuyên chữa bàn chân điều trị.

 

3- Tránh sử dụng các chất kháng khuẩn gây kích thích như cồn iốt.

 

4- Sau khi có bất kỳ tổn thương nào, che vùng tổn thương bằng gạc tiệt trùng càng nhanh càng tốt. Nếu cần giữ chắc gạc thì chỉ nên dùng bằng giấy tốt hoặc bằng băng Scotch. Kê cao chân khi chưa che vết thương, tránh sử dụng chân càng nhiều càng tốt.

 

Người mắc bệnh đái tháo đường được chăm sóc bàn chân tốt, được điều trị đúng mức tổn thương bàn chân là một trong chiến lược phòng chống các biến chứng, nhất là biến chứng nặng phải cắt cụt chi, gây tàn phế. Do vậy, việc chăm sóc, phát hiện sớm, điều trị sớm và tích cực các tổn thương bàn chân là rất quan trọng.

 

BS CKI. ĐOÀN BĂNG LINH

(Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Điều trị viêm gan B
Thứ Hai, 02/08/2010 11:00 SA
Mẹ dùng methamphetamine gây hại cho con trẻ
Thứ Bảy, 31/07/2010 11:00 SA
Giảm nguy cơ bệnh tim
Thứ Sáu, 30/07/2010 16:30 CH
Amidan - Cần cắt khi nào?
Thứ Năm, 29/07/2010 16:35 CH
5 cách đẩy lùi stress văn phòng
Thứ Tư, 28/07/2010 10:00 SA
Những lưu ý khi dùng nhân sâm
Thứ Ba, 27/07/2010 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek