Thứ Hai, 07/10/2024 11:27 SA
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và cách phòng chống
Thứ Hai, 12/07/2010 11:00 SA

Sốt xuất huyết (SXH) - một bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là loại muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn). Bệnh SXH có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Ở Phú Yên, SXH lưu hành quanh năm, nhưng thời gian mắc nhiều nhất là từ tháng 4 - 8 hàng năm.

 

Những năm gần đây, Phú Yên đều có trường hợp mắc SXH. Đặc biệt, năm 2009, dịch SXH đã xảy ra ở Phú Yên với trên 2.500 người mắc, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Năm 2010, rải rác vẫn có trường hợp mắc SXH, và từ tháng 5 đến nay số ca mắc SXH tăng đột biến ở nhiều địa phương trong tỉnh.

 

Ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để khống chế và dập tắt dịch, tuy nhiên kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Để phòng chống dịch có hiệu quả, mỗi người, mỗi cộng đồng dân cư cần nâng cao ý thức hơn nữa.

 

Dưới đây là một số đặc điểm sinh lý của loài muỗi truyền bệnh SXH để người dân biết cách phòng trừ.

 

Muỗi Aedes Aegypti một loài muỗi (Insecta, Diptera, Culicidae) được Linnaeus mô tả năm 1757. Trong quá trình tiến hóa, có nhiều biến dạng về hình thể, có thể chia thành 2 nhóm:

 

- Nhóm nguyên thủy, sống trong rừng ẩm thấp ở châu Phi, chủ yếu hút máu các loài thú, chim, bò sát không ưa người. Nhóm này không quan trọng về mặt y tế.

 

- Nhóm sống gần người, thích đốt hút máu người, nhóm này có tầm quan trọng về mặt dịch tễ học. Chúng có mặt ở hầu hết các vùng nhiệt đới và ôn đới, cùng tồn tại với nhóm trên.

 

Aedes Aegypti được coi là véc tơ chính trong các vụ dịch SXH ở nhiều nước như Singapore, Philippinnes, Thái Lan (1958 và các năm tiếp theo), Malaysia, Lào và Việt Nam. Muỗi có kích thước trung bình, thân màu đen bóng, có nhiều vảy trắng bạc tập trung thành từng cụm hay từng đường trên mình, trên mặt lưng và ngực có hai đường vảy trắng bạc phình ra, như hai nửa vòng cung ôm hai bên lưng nên gọi là hình đàn, đầu muỗi có hai đốm vảy trắng bạc đính ở gốc râu. Trên mặt lưng, ở gốc từ đốt thứ hai đến đốt thứ tám có những đường vảy ngang từng đốt, gốc các đốt bàn chân sau có những khoang trắng, riêng đốt bàn chân thứ năm trắng hoàn toàn, cho nên muỗi còn có tên là muỗi vằn.

 

Thời gian phát triển từ bọ gậy (loăng quăng) đến muỗi trưởng thành khoảng 2 đến 3 ngày, chết trong khoảng 5 ngày. Muỗi cái sống từ 20 đến 40 ngày, muỗi đực sống ngắn hơn, từ 9 đến 12 ngày. Mỗi con muỗi cái đẻ từ 60 -100 trứng /lần, trứng có màu đen, từng quả một đính vào thành vật chứa hay chìm xuống nước. Trong điều kiện thuận lợi, trứng muỗi có thể tồn tại đến 6 tháng.

 

Muỗi đẻ trứng ở những nơi có chứa nước (lu vại, bể, chai lọ, vỏ dừa, lốp ô tô cũ, lọ hoa…) ở trong và quanh nhà, những nơi râm mát. Bọ gậy ưa nước có độ pH hơi axít, nhất là nước mưa.

 

Từ đặc điểm sinh lý của muỗi, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp sau để diệt muỗi:

 

- Giảm nguồn sinh sản của muỗi: Quản lý dụng cụ chứa nước sinh hoạt (dùng nắp đậy, thả cá...), thu gom, phá hủy các dụng cụ không cần thiết.

 

- Chống muỗi trưởng thành đốt: Làm lưới chắn ở cửa ra vào, phải ngủ trong màn; phun hóa chất và tẩm hóa chất diệt muỗi

 

- Tuyên truyền để mọi người hiểu biết cách phòng chống bệnh; đồng thời tổ chức loại trừ ổ bọ gậy muỗi truyền bệnh SXH, ít nhất 2 lần vào đầu và giữa tuần.

 

Bác sĩ  NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bọ xít hút máu
Thứ Hai, 12/07/2010 15:00 CH
Giữ gìn sức khỏe khi đi du lịch
Thứ Sáu, 09/07/2010 16:10 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek