Thứ Hai, 07/10/2024 11:25 SA
Bọ xít hút máu
Thứ Hai, 12/07/2010 15:00 CH

Hỏi: Gần đây, báo đài đưa tin tại một số địa phương xuất hiện loài bọ xít hút máu người. Ở Phú Yên có loài côn trùng nguy hiểm đó không và nó gây bệnh như thế nào?

 

TRẦN ANH QUỐC

(Thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An)

 

Trả lời: Bọ xít hút máu thuộc họ côn trùng, bộ cánh nửa (Hemiptera). Bộ cánh nửa có khoảng 20.000 loài; miệng là dạng vòi chích chia đốt nằm ở phía trước đầu giữa 2 đốt chậu chân trước. Các côn trùng bộ cánh nửa có liên quan đến y học thuộc 2 họ là: Họ bọ xít bắt mồi (Reduviidae) và họ rệp giường (Cimicidae)

 

Họ bọ xít bắt mồi, kích thước cơ thể trung bình hoặc lớn, dài từ 1-4 cm. Vòi rất khỏe, có 3 đốt. Phần gốc vòi cong, không dính sát đầu. Mặt bụng của ngực trước có rãnh lõm để nạp vòi. Đa số loài có mắt đơn (có loài không có). Râu đầu có 4 đốt hoặc trên 4 đốt. Bàn chân thường có 3 đốt.

Côn trùng trong họ này phần nhiều là côn trùng có ích, chuyên săn bắt côn trùng khác để ăn, song một số loài có hại đối với người, cắn rất đau. Một số loài là véc tơ truyền bệnh cho người như loài Triatoma, Rhodnius và Panstrongylus.

 

Các véc tơ này làm lây truyền một loại ký sinh trùng có tên là Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas, một bệnh xảy ra chủ yếu ở vùng Trung-Nam Mỹ. Khi bọ xít hút máu bị nhiễm T.cruzi (do hút từ vật chủ đã nhiễm bệnh) đốt người hay động vật, chúng sẽ thải ra phân có chứa T.cruzi. Nạn nhân gãi vào vết chích sẽ làm T.cruzi theo máu xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, bệnh Chagas cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi hoặc qua truyền máu, ghép cơ quan nội tạng của người đã nhiễm T.cruzi.

 

Bệnh có giai đoạn cấp và mạn tính. Nếu không điều trị, nhiễm trùng sẽ kéo dài nhiều năm. Giai đoạn cấp xảy ra ngay sau khi nhiễm KST, kéo dài vài tuần đến vài tháng. Bệnh có thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Có thể có sốt hoặc sưng tại vết đốt. Trường hợp nặng (hiếm gặp) gây viêm nặng cơ tim, não, màng não.

 

Sau giai đoạn cấp là giai đoạn không triệu chứng kéo dài. Trong giai đoạn này, nhiều người không biết tình trạng nhiễm bệnh của mình. Tuy nhiên, khoảng 20-30% trường hợp bị suy nhược và các vấn đề sức khỏe khác gồm: nhịp tim bất thường, có thể gây tử vong đột ngột; tim giãn, suy; giãn thực quản, giãn đại tràng gây khó nuốt, khó đại tiện.

 

Việc điều trị còn nhiều khó khăn vì ít có thuốc đặc trị, phải điều trị kéo dài.

 

Việc một số địa phương trong nước phát hiện có loài bọ xít hút máu, đang được các nhà khoa học nghiên cứu xem loài này ở Việt Nam có khả năng truyền bệnh cho người không. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên quá hoang mang vì mầm bệnh Chagas (loài ký sinh trùng Trypanosoma cruzi) từ trước tới nay chưa được báo cáo tại Việt Nam. 

 

Một số biện pháp phòng chống bọ xít tại cộng đồng có thể áp dụng hiệu quả. Khi nghi có bọ xít hút máu người, nên kiểm tra lại tất cả đồ đạc để truy tìm chúng vào ban đêm, bằng cách tắt hết điện, dùng đèn pin soi vào các khe hở bàn ghế, nan giường..., phát hiện thì dùng kẹp hoặc dùi sắt giết chết nó.

 

Việc phun hóa chất để diệt côn trùng cũng chưa được khuyến cáo vì phải phun với nồng độ cao, có thể gây ảnh hưởng khác đối với sức khỏe.

 

BÁC SĨ ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek