Thứ Năm, 10/10/2024 00:23 SA
Phòng chống một số bệnh ngoài da mùa lạnh
Thứ Hai, 07/12/2009 07:29 SA

Mùa đông nhiệt độ thấp, độ ẩm thay đổi kèm theo mưa gió thất thường là những điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh lý xuất hiện. Trời lạnh không chỉ khiến mọi người dễ bị ho, cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... mà còn làm phát triển các bệnh ngoài da như nứt môi, khô da mặt, mề đay, nứt gót chân, vảy cá...

 

kham-benh091207.jpg

Khám trẻ bị bệnh ngoài da tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

 

NỨT MÔI

 

Nứt môi là một hiện tượng hay gặp vào mùa đông, nhiệt độ thấp kèm độ ẩm thay đổi làm cho môi khô. Môi khô gây cảm giác khó chịu làm cho bạn phải liếm môi để làm ẩm môi. Càng liếm môi thì môi càng bị khô. Nếu khô môi nhiều dễ gây nứt môi, chảy máu. Khô môi, nứt môi là biểu hiện phản ứng của môi trước nhiệt độ thấp nhưng nếu không có biện pháp phòng chống khô môi, nứt môi bạn có thể bị nhiễm trùng môi. Phòng chống khô môi bằng cách giữ ấm vùng mặt không cho da mặt tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh bằng cách trùm kín vùng mặt khi đi ra ngoài trời; chống khô da bằng cách rửa mặt bằng nước ấm và lau khô bằng khăn mềm; có thể sử dụng vaselin hay glycerin bôi vào môi và da mặt để tránh khô da; khi bị khô da hạn chế ăn các thức ăn cay, mặn; nếu tình trạng khô da, nứt môi nặng nên đến thầy thuốc da liễu để được tư vấn kỹ hơn. 

 

MỀ ĐAY DO LẠNH    

 

Một số người khi gặp thời tiết lạnh, nhất là khi đang đi bên ngoài gặp cơn gió lạnh, thường nổi lên những sẩn phù đỏ, có thể tạo thành những mảng đỏ sưng phù ở một hoặc nhiều vùng. Sẩn thường gặp nhất ở những vùng da hở như mặt, tay, chân, nặng hơn thì phát khắp toàn thân.

 

Mề đay sẽ phát triển nhiều hơn khi từ môi trường có gió lạnh vào trong phòng ấm áp hơn, lúc này sẽ ngứa ngáy nhiều hơn. Thường thì mề đay kéo dài vài phút đến vài giờ khi ngừng tiếp xúc với lạnh và có thể tái phát nhiều cơn trong ngày. Một số người bệnh còn kèm theo triệu chứng nhức đầu, hạ huyết áp, tím tái, phù thanh quản.

 

Cách xử trí như sau: Nên tránh ra ngoài lúc trời lạnh và mặc quần áo ấm. Khi đang nổi mề đay thì các thuốc kháng histamin không có tác dụng làm mất mề đay. Thuốc chỉ có tác dụng ngăn chặn cơn mề đay mới, do đó nên uống hoặc chích thuốc càng sớm càng tốt. Cyproheptadine là thuốc có hiệu quả tốt nhưng dễ gây buồn ngủ ở một số người, có thể thay thế bằng những loại thuốc ít hoặc không gây buồn ngủ như :  Aerius, Telfest, Xyzal, Cezil...

 

CHÀM KHÔ

 

Ngứa da do lạnh hay còn gọi là chàm khô (xerotic eczema) thường gặp ở người lớn hơn là người trẻ, do trời lạnh và độ ẩm ở trong phòng gia tăng làm da bị giảm tiết mồ hôi và chất bã. Chất sừng của da bị mất nước khiến da trở nên khô hơn, đóng ít vảy. Da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội, làm cho da bị trầy xước, thậm chí còn gây ra những chấm xuất huyết dưới da.

 

Cách xử trí: Tránh tắm với xà phòng thơm, nên dùng loại sữa tắm hoặc xà phòng có chất ẩm da và không có chất làm thơm. Bôi kem làm ẩm da ngay sau khi tắm như kem có chứa Glycerin, Urea 10%, Vitamin E... Mỗi tối trước khi đi ngủ cần bôi thêm để tạo độ ẩm liên tục cho da. Uống thuốc dị ứng hàng ngày.

 

NỨT DA CHÂN

 

Triệu chứng thường hay gặp ở phụ nữ do da ở vùng lòng bàn chân, các ngón chân mỏng manh hơn. Bình thường vào những ngày nóng hiện tượng nứt da chân ít gặp, đến những ngày trời lạnh nứt da chân tăng rõ rệt.

 

Hiện tượng này cũng có thể gặp ở phần da tay nhưng ít hơn ở phần chân. Trời càng lạnh nhiều và kéo dài thì mức độ nứt da chân cũng tăng theo, thậm chí còn rịn máu và gây ra triệu chứng ngứa rất khó chịu.

 

Cách xử trí: Thường xuyên mang tất, giày để giữ ấm. Mỗi ngày nên ngâm chân hoặc tay với nước ấm pha ít muối. Bôi kem làm giảm nứt da chân như Skin-Care U, Ellgy plus... Uống thuốc dị ứng nếu bị ngứa. Trường hợp ngứa nhiều quá, tạm thời bôi thuốc có chứa chất corticoid và đến ngay bác sĩ chuyên khoa da liễu.

 

DA VÂY CÁ

 

Bệnh này thường do yếu tố di truyền và triệu chứng thường hay có khuynh hướng giảm đi hay biến mất tạm thời. Khi trời trở lạnh thì vây cá sẽ lộ ra rõ rệt hơn: Da đóng vảy như da cá. Tuy bệnh không gây nhiều cảm giác khó chịu nhưng lại gây mất thẩm mỹ, nhất là ở những vùng da hở.

 

Cách xử trí: Cần mặc quần áo dài vừa đủ ấm. Tắm nước ấm và sữa tắm có chất làm ẩm da. Bôi kem chứa chất Acid lactic 5%, Urea 10%, dung dịch có chứa chất ammonium lactate.

                     

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâmTruyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bệnh “văn phòng”
Thứ Hai, 23/11/2009 16:00 CH
Tiếp cận phổ cập và quyền con người
Thứ Hai, 23/11/2009 07:12 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek