Thứ Năm, 10/10/2024 00:18 SA
Đau mắt đỏ
Thứ Hai, 30/11/2009 08:00 SA

Hỏi: Gần đây, nhiều người bị đau mắt đỏ, bệnh lây lan nhanh. Làm thế nào để tránh được bệnh này thưa bác sĩ?

(Nguyễn Thị Anh, huyện Tuy An)

 

Trả lời: Đau mắt đỏ, chuyên môn gọi là viêm kết mạc cấp xảy ra ở tất cả lứa tuổi, tất cả thời gian trong năm, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và người trẻ. Bệnh thường gia tăng vào thời gian giao mùa, là thời gian hay xuất hiện những đợt dịch cúm hoặc viêm đường hô hấp cấp.

 

Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi trùng (phế cầu trùng, liên cầu trùng, tụ cầu trùng); nhưng bệnh viêm kết mạc mùa là do loại  vi rút Adenovirus gây nên. Ngoài gây đỏ mắt, vi rút còn gây viêm họng, viêm hạch. Môi trường ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển.

 

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp bằng các hạt nước mắt, nước mũi, nước bọt bệnh nhân khi ho hoặc nhảy mũi; lây do dùng chung các vật dụng cá nhân: khăn mặt, đồ chơi, dụng cụ học tập, điện thoại, máy tính… Do đó bệnh thường lây trong các nhà trẻ, trường học, cơ quan.

 

Triệu chứng gồm cảm giác nóng rát ở mắt, đau, nặng mắt, cảm giác như có hạt cát trong mắt, đôi khi kèm theo nhìn mờ, nhìn thấy quầng màu và sợ ánh sáng. Mi mắt sưng nhẹ, kết mạc mi sưng đỏ. Nếu bệnh nặng mắt sẽ sưng nhiều, kết mạc đỏ rực. Ghèn nhiều, nhầy vàng hoặc xanh.

Ngay cả khi không điều trị bệnh có thể sẽ khỏi sau 1 đến 2 tuần. Thường bệnh không để lại biến chứng. Nhưng cũng có thể xảy ra một số biến chứng như viêm giác mạc, loét giác mạc, thậm chí có thể mù lòa. Những biến chứng này thường xảy ra ở người thể trạng suy kiệt hoặc do dùng thuốc không đúng cách. (đây là nguyên nhân thường gặp).

 

Tuyệt đối không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà, không dùng các thuốc có chất co giãn mạch. Các thuốc này làm mắt hết cộm và hết đỏ nhanh, nhưng đây chỉ là hiện tượng khỏi giả tạo. Sau đó mắt sẽ phù, sưng, thậm chí mạch máu khi giãn nhiều có thể gây liệt, bệnh kéo dài dai dẳng, rất khó điều trị.

 

Phải dùng thuốc theo đơn bác sĩ; ngoài ra thường xuyên nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý (dung dịch NaCl 0,9%). Dung dịch này có tác dụng rửa chất bẩn, làm trôi mầm bệnh ra ngoài. Khi nhỏ nước muối nếu thấy xót thì phải dừng ngay (có thể do lọ nước muối có độ pH không chuẩn), vì nếu nhỏ lâu dài có thể khiến mắt bị phù, cộm rát nhiều hơn. Người bệnh cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để hạn chế làm nhiễm mầm bệnh vào các vật dụng dùng chung.

 

Đau mắt đỏ là bệnh tự khỏi. Để phòng tránh lây lan, khi trong nhà, trong công sở, trường học có người bệnh, cần hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh, không dùng chung các vật dụng cá nhân, khuyến khích trẻ em, mọi người rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là sau khi tiếp xúc với các vật dụng dùng chung (máy tính, điện thoại, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang).

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek