Thứ Sáu, 11/10/2024 00:17 SA
Đau khớp, coi chừng bị thấp tim
Thứ Hai, 24/08/2009 18:30 CH

Vào chiều thứ hai và thứ tư hàng tuần, bệnh nhân đến khám bệnh thấp tim tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Phú Yên rất đông. Cách đây hai năm, em Nguyễn Chánh Huy, 16 tuổi ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) bị đau gối, khớp tay. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ khuyên nên phòng bệnh thấp tim. Vậy là hai năm qua, mỗi tháng một lần đều đặn, Huy đến khoa Nhi để khám và tiêm thuốc dự phòng. Em Võ Thị Kim Tường, 15 tuổi, cũng ở xã Hòa Mỹ Đông bị đau nhức đầu gối, đau khớp tay, mỏi cơ khắp mình vì chứng thấp khớp đã ba năm. Kim Tường nói: Nhờ thường xuyên đi tiêm thuốc nên bệnh của em đã thuyên giảm.

 

tiem-phong-thap-090824.jpg

Tiêm thuốc phòng bệnh thấp tim- Ảnh:  T.THỦY

 

Một công trình nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy: hằng năm có khoảng 100.000 trường hợp thấp khớp và thấp tim mới; lứa tuổi học sinh mắc bệnh thấp tim chiếm tỉ lệ 0,7 - 1,6 %o, tỉ lệ này ở sinh viên lên tới 6 - 9 %o. Theo các công trình nghiên cứu ở Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh thấp tim trong lứa tuổi học sinh khoảng 3%o; tuổi mắc bệnh phổ biến là 7 - 15 tuổi.

 

Nguồn: suckhoe3600.com)

Bác sĩ Đặng Văn Phát cho biết, không có đơn vị nào tổ chức tiêm thuốc cho những bệnh nhân này vì dễ xảy ra sốc thuốc. Bệnh viện cũng không có chuyên khoa tim mạch nên khoa Nhi phục vụ luôn phần việc tiêm thuốc cho người lớn và trẻ em. Lịch tiêm 4 tuần/lần đối với bệnh nhân bệnh nhẹ và 3 tuần/lần đối với bệnh nặng đã bị tổn thương ở tim. Song, mỗi lần tiêm đều phải thử thuốc ở tay, sau đó mới tiêm lên đùi và theo dõi phản ứng thuốc sau một giờ mới cho bệnh nhân về. Với những người bị viêm khớp chỉ tiêm hoặc uống thuốc trong vòng 5 năm thì cho dừng, còn những người đã tổn thương tim thì phải chích suốt đời. Hiện mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân, đều tiêm phòng thấp tim tại khoa Nhi.

 

Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương tim, trong đó có bệnh viêm họng. Thế nhưng rất ít người đi khám bệnh, họ chỉ tự mua thuốc hoặc không uống thuốc nên không đủ lượng kháng sinh dẫn đến bệnh biến chứng. Theo bác sĩ Đặng Văn Phát, bệnh thấp khớp và thấp tim thường xuất hiện sớm và chủ yếu ở lứa tuổi học sinh. Bệnh thấp tim là bệnh viêm của mô liên kết, xảy ra sau viêm họng do liên cầu bêta nhóm máu A, gây tổn thương ở nhiều cơ quan, chủ yếu là tim, khớp, hệ thần kinh, da và mô dưới da... trong đó tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất. Bệnh khởi phát là viêm họng cấp tính do liên cầu bêta nhóm máu A, với các triệu chứng như niêm mạc thành sau họng và amidan xung huyết, đỏ rực, có thể có những chấm mủ trắng; toàn thân sốt cao, dao động, da xanh, suy kiệt, nổi hạch góc hàm. Khoảng 80% số trẻ em mắc bệnh thấp có tổn thương ở khớp, trong đó có khoảng 30% thấp khớp đơn thuần, còn lại tổn thương cả ở khớp và tim. Sau 5 - 7 ngày, triệu chứng trên sẽ hết, dù được điều trị hay không. Tuy ít gặp nhưng vẫn có tổn thương khớp cột sống, trong khi các khớp nhỏ ở ngón tay, chân rất hiếm và đây là một đặc điểm phân biệt với bệnh viêm khớp mạn tính. Bệnh nhân thường sốt 38 - 38,50C, kéo dài trong một tuần. Nếu điều trị nhưng bệnh nhân vẫn sốt cao hơn hoặc kéo dài hơn thì khả năng biến chứng vào tim là rất cao. Vì vậy, nếu quản lý tốt bệnh nhân thấp khớp trong vòng 2-3 năm đầu sẽ hạn chế được các biến chứng về tim.

 

Các bác sĩ khoa Nội cho biết, trong giai đoạn đầu của bệnh thấp khớp, khoảng 30-40% số ca bị thấp tim. Nguy hiểm hơn là 10% số ca thấp tim trước khi có triệu chứng ở khớp, trong đó tổn thương cơ tim và màng trong tim là chủ yếu. Viêm cơ tim thường gắn liền với tổn thương màng trong tim và màng ngoài tim. Tổn thương phổ biến nhất của viêm nội tâm mạc là hở và hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ. Bệnh cảnh nhiều khi rất nguy kịch như sốt cao, xanh tái, khó thở, tim đập rất nhanh, loạn nhịp, nguy cơ tử vong cao... Biểu hiện thần kinh là triệu chứng muộn của thấp tim, xuất hiện nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau nhiễm liên cầu. Không tự chủ, không định hướng, không mục đích, tăng lên khi xúc động...

 

Các biện pháp phòng ngừa bệnh thấp tim là dùng liệu pháp kháng sinh để dự phòng cho những bệnh nhân đã từng bị mắc bệnh thấp khớp hay thấp tim. Thuốc có thể dùng là penicillin, phải uống thuốc để dự phòng liên tục trong suốt thời kỳ thiếu niên. Phải điều trị triệt để các bệnh viêm hầu họng do nhiễm liên cầu khuẩn để phòng ngừa bệnh thấp tim.

 

Tiêm hoặc uống thuốc dự phòng đối với trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp do liên cầu nhưng chưa bị thấp khớp, với liều duy nhất benzathin penicillin hay erythromycin. Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát thấp tim thì nên sử dụng thuốc tiêm để phòng chống bệnh thấp tim. Cho đến nay chưa có sẵn vắcxin chống liên cầu. Vì vậy việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm liên cầu khuẩn vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh thấp tim.

 

        

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek