Thứ Sáu, 11/10/2024 00:11 SA
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người di dân tự do:
Cần sự gần gũi, chia sẻ
Thứ Sáu, 26/06/2009 14:30 CH

Hiện nay, lao động từ nông thôn di cư đến thành thị làm ăn ngày càng tăng. Phần lớn những người này sống trong các khu nhà trọ. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với những lao động di cư này rất phức tạp, nhất là việc quản lý về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV. Họ rất cần sự gần gũi, chia sẻ.

 

tu-van-090626.jpg
Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ phường 9 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.THẢO

 

GẦN GŨI, CHIA SẺ NHIỀU HƠN

 

Anh Nguyễn Thanh Hoàng, ở huyện Sông Cầu, làm nghề chạy xe ôm tại bến xe liên tỉnh, nói: “Đối với chúng tôi, những kiến thức, thông tin về cách phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục hầu như là không có. Nhờ các chị cộng tác viên gần gũi tư vấn tận tình, chia sẻ những điều khó nói nên giờ đây chúng tôi mới có kiến thức chăm sóc bản thân, gia đình. Riêng tôi, càng ngày càng thấy hiệu quả mang lại của chương trình này rất thiết thực, từ chỗ ít quan tâm đến nay tôi đã tình nguyện làm cộng tác viên, mỗi khi có chương trình tư vấn lưu động như cấp bao cao su, phát tờ rơi tuyên truyền về vấn đề này cho bà con và những người đồng cảnh với mình”.

 

Chị Nguyễn Vân Loan, cộng tác viên dân số khu phố Nguyễn Du, phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Nơi tôi ở, những người buôn bán ở khắp nơi đến nhiều, họ đều ở trong độ tuổi sinh đẻ nên việc tư vấn, truyền thông về sức khỏe sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cần thiết. Nhiều người trong số đó ít quan tâm vì lo buôn bán nên tôi phải đến tận nhà giải thích hoặc ra tận nơi họ làm ăn để vận động. Ban đầu, việc tư vấn, phát bao cao su cho người di cư rất khó khăn, vì đa số những người này kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản ít, thông tin không được cập nhật thường xuyên. Phụ nữ thì e ngại, nam giới thì bỏ ngoài tai”. Còn theo chị Lê Thị Mộng Hồng, cộng tác viên dân số khu phố Trần Phú, phường 8 (TP Tuy Hòa) làm dân số gần 20 năm nay, việc khó nhất là tuyên truyền cho người di cư vì khó gặp trực tiếp họ, gặp rồi họ không chịu thực hiện. Do đó, tôi và các chị đồng nghiệp cũng như những đồng đẳng viên phải tranh thủ thời gian buổi trưa để thực hiện tư vấn nhóm riêng, có nhiều người vì mệt mỏi không tiếp chúng tôi, còn dùng những câu rất khó nghe. Chúng tôi phải nhiều lần đến, kiên nhẫn lâu dần họ mới hiểu”. Nhiều cộng tác viên cho rằng để người di cư tự do chịu thực hiện việc chăm sóc sức khỏe sinh sản các cộng tác viên dân số phụ trách địa bàn phải thường xuyên gần gũi, chia sẻ, tư vấn liên tục, mọi lúc mọi nơi với phương châm “mưa dầm thấm lâu” thì mới mong có được kết quả tốt.

 

CẦN TUYÊN TRUYỀN SÂU

 

Nhiều người di cư tự do vốn có thu nhập, trình độ học vấn thấp, công việc khó khăn, luôn thay đổi chỗ ở, nhất là thiếu tốn tình cảm gia đình, dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Cộng tác viên trên địa bàn cần biết những người ở lâu hay ở theo thời vụ để có kế hoạch tiếp cận cung cấp dịch vụ. Ngoài chiến dịch chăm sóc sức khoẻ hàng năm phải có những chương trình chăm sóc đặc biệt như tư vấn nhóm nhỏ, truyền thông tận nơi… Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình Phú Yên, nói: “Phần lớn những ngừơi di cư tự do có đời sống eo hẹp, thời gian làm việc thất thường, họ không có thời gian nghỉ ngơi trao đổi về việc phòng, chữa bệnh. Đi khám bệnh đối với họ là một việc hiếm và ngại tốn kém. Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục của những người di cư tự do thường rất cao. Chính vì vậy, họ cần phải được tư vấn về sức khỏe sinh sản, cấp phát bao cao su thường xuyên; đồng thời khám, chữa bệnh miễn phí khi phát hiện ca lây nhiễm, đặc biệt cần phải thân thiện, hỗ trợ thuốc, các dịch vụ y tế khi họ có nhu cầu, nhất là cung cấp những tờ rơi hướng dẫn cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chủ các nhà trọ là một việc làm cần thiết.

 

PHẠM THÙY

        

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek